Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

TÌM HIỂU GIÁO LÝ TRONG NĂM ĐỨC TIN (bài 14-15)

Bài 14

TÂM TÌNH CẦU NGUYỆN

Mọi hành vi tốt về mặt luân lý  làm vinh danh Thiên Chúa đều được coi như hành vi thờ phượng. Tuy nhiên, Người còn phải được tôn thờ cách minh nhiên và gián tiếp bằng những hành vi như: Cầu nguyện, phụng vụ và những lời khấn hứa.

1. Cầu nguyện là gì ?
Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên Thiên Chúa để xin Người ban cho chúng ta những ơn cần thiết.

Cầu nguyện là một cử chỉ khác của cử chỉ thờ lạy.“Cử chỉ quen thuộc của người cầu nguyện được trình bày ở các hang toại đạo còn được lưu giữ trong phụng vụ Kitô giáo: Cánh tay dang ra, bàn tay diễn tả tự dâng hiến, van nài hoặc chào kính tuỳ theo vị thế của đôi bàn tay. Trong cử điệu này không còn cái hôn nữa, nhưng nó vẫn giữ được ý nghĩa sâu xa của việc hôn kính” [1]. Khi cầu nguyện có lúc người ta quỳ hoặc phủ phục, nhất là khi họ van nài trong thầm lặng hoặc khi khẩn cầu tha thiết (1V 8,34; 9,42).
Người ta định nghĩa rất nhiều về cầu nguyện: Cầu nguyện là sự gặp gỡ cá vị của con người trong sự đối thoại khiêm tốn với Chúa Cha, qua Đức Giêsu và trong Chúa Thánh Thần. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên tới Chúa. Định nghĩa này, nhấn mạnh đến việc con người khao khát kết hợp với Chúa như Đấng thánh thiện và hoàn hảo vô cùng. Thời các giáo phụ, người ta đã biết đến một định nghĩa cổ điển xem cầu nguyện như một cuộc đối thoại với Thiên Chúa [2].
Gần đầy, các nhà thần học đã thử đưa ra một định nghĩa mới: Cầu nguyện là chấp nhận thánh ý Chúa, một sự chấp nhận trong yêu thương, được diễn tả không những bằng lời nói mà còn bằng hành động.

2. Khi cầu nguyện, chúng ta thường bắt đầu với tâm tình nào ?

Vì“ không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26), nên trước khi cầu nguyện, chúng ta hãy có tâm tình khiêm nhường để đón nhận ơn cầu nguyện.
Cầu nguyện là toàn thể hành động của con người hướng về Chúa. Người ta liệt kê những điều kiện cần phải có của việc cầu nguyện:
Lòng sốt sắng. Lòng sùng kính xác định ý hướng của ta khi cầu nguyện. Những người biệt phái ngày xưa khi bị Chúa quở trách vì họ cầu nguyện không phải với lòng sùng kính nhưng với ý hướng khoe khoang trước mặt mọi người.
Kính cẩn và khiêm tốn. Kính cẩn là thái độ căn bản của việc thờ phượng, là nhìn nhận uy quyền tối cao của Thiên Chúa. Cầu nguyện cũng phải biết tin tưởng phó thác cho ý muốn của Thiên Chúa và sẵn sàng thực thi theo ý Người như lời cầu nguyện đầy tình con thảo của Chúa Giêsu ở vườn cây dầu khi Người thưa với Chúa Cha:“Cha ơi nếu được xin cho chén này rời khỏi con, nhưng xin vâng ý Cha” (Mt 26,39).
 Sự chú ý hay sự hồi tâm của đức tin đòi hỏi.
Bền chí là không thất vọng, không buông xuôi, không chán nản, mỗi khi lời cầu nguyện của chúng ta không được Chúa nhậm lời như ý ta muốn. Giáo huấn về sự bền chí được Chúa Giêsu trình bày qua dụ ngôn về người bạn quấy rầy (Lc 11,5- 8).
Đó là vài chia sẽ của Sách Giáo Lý Đức Tin Công Giáo về việc cầu nguyện và chia sẽ cá nhân. Xin Chúa dạy chúng ta cầu nguyện đúng
theo thánh ý Chúa theo tinh thần Kinh Lạy Cha.
                   Chủ nhật 14. 4. 2013
  Giáo Xứ Chánh Tòa Long Xuyên


[1] J. DE VAULX- J GUILLET, Thờ lạy, trong điển ngữ thần học kinh thánh, vol 4, 145
[2] x. T. AUGUSTINO, Enarrationes in Psalmos, 85, PL 37, cột 1086; x. St 18, 23- 33




Bài 15
LỜI CẦU NGUYỆN TRỌN HẢO
Người Kitô hữu có thể cầu nguyện bất kể ngày đêm, mà không bị giới hạn vào thời gian giờ giấc. Vậy cầu nguyện mang lại lợi ích gì cho ta và làm thế nào để cầu nguyện nên trọn hảo?
1. Cầu nguyện đem lại ích lợi gì cho con người ?
Cầu nguyện đem ánh sáng cho tâm hồn, giúp con người thực sự hiểu biết Thiên Chúa và nối kết Thiên Chúa với con người. Cầu nguyện là một bổn phận làm cho ta gắn bó mật thiết với Chúa và thờ phượng Thiên Chúa cách xứng hợp.
Cầu nguyện rất cần thiết để có được các nhân đức đối thần và nuôi dưỡng chúng. Các nhân đức đối thần tin, cậy, mến là ơn Chúa ban, ta cần phải cầu xin, bảo vệ và làm cho phát triển nhờ việc cầu nguyện. Chỉ có lời cầu nguyện mới bảo đảm cho chúng ta kiên trì trong đức mến. Chính trong cầu nguyện mà các nhân đức đối thần được diễn tả và thể hiện đức thờ phượng.
Cầu nguyện cũng cần thiết cho việc thực thi các nhân đức luân lý. Nhờ lời cầu nguyện sám hối, ta quay trở lại với những giá trị luân lý mà ta đã xúc phạm. Trong lời cầu xin ta nài van Chúa ban cho ta lòng yêu mến các giới luật của Chúa, biết ra sức thực hành các nhân đức luân lý, để ngày càng trở nên tốt hơn.
Hơn nữa, con người vốn bất toàn, yếu đuối, không có khả năng thực hiện ơn cứu độ cho mình nên cần phải cầu xin ơn Chúa trợ giúp như Đức Giêsu dạy:“Không có Thầy anh em không thể làm được gì” (Ga 15,5). Ngoài ra, chính tình yêu đối với tha nhân đòi buộc ta phải cầu nguyện cho người khác nữa. Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện của những ai có tình yêu huynh đệ. Giới luật yêu thương đã biến giới răn này thành bổn phận phải cầu nguyện cho nhau. Chính những lý do đó khiến các môn đệ phải cầu nguyện luôn và cầu nguyện trong mọi lúc.
2. Làm thế nào để lời cầu nguyện được nên trọn hảo ?
Thánh Gioan Kim Khẩu cho biết:“Để lời cầu nguyện được trọn bề hoàn hảo, bạn hãy lấy đức hiền hậu khiêm nhu mà tô điểm ngôi nhà tâm hồn, lấy cuộc đời công chính mà chiếu soi cho rực rỡ, lấy việc lành phúc đức mà tô điểm, đem đức tin và lòng cao thượng như đá quý mà dán vào tường. Trên tất cả, bạn hãy đặt cầu nguyện làm nóc để hoàn tất ngôi nhà. Và như thế, bạn chuẩn bị cho Thiên Chúa một ngôi nhà hoàn hảo.”
Để lời cầu nguyện được trọn hảo cần phải có lòng sốt sắng, phải khiêm tốn và kính cẩn, tin tưởng và bền chí và nhất là lời cầu xin phải chính đáng và hợp với tinh thần người con đối với Chúa như trong Kinh Lạy Cha chúng ta thường đọc.                 
  Chủ nhật 21. 4. 2013
  Giáo Xứ Chánh Tòa Long Xuyên




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét