Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

PHÉP RỬA ĐANG RỬA NHIỀU MÔN ĐỆ CHÚA TẠI VIỆT NAM HÔM NAY

+ GB. BÙI TUẦN

 

 

 

PHÉP RỬA ĐANG RỬA
NHIỀU MÔN ĐỆ CHÚA TẠI VIỆT NAM HÔM NAY

1.
Những ngày Tết, tôi được vui hưởng biết bao cái đẹp. Đẹp ở thiên nhiên, đẹp ở nhà cửa, đẹp ở phố phường đường xá, đẹp ở các cuộc vui, đẹp ở các lời mừng chúc và viếng thăm.
2.
Nhưng, nếu hỏi: Cái gì được gọi là đẹp nhất? Thì tôi sẽ thưa: Đẹp nhất là những con người có cái tâm đẹp. Tôi tạm đưa ra vài hình ảnh.
Cái tâm đẹp là cái tâm sáng như bầu trời rạng đông, thơm tựa cánh đồng lúa chín hay vườn hồng bao la, mát như dòng suối luôn tràn nước dinh dưỡng cho mọi người và mọi môi trường.
Đó chỉ là hình ảnh mờ nhạt của cái tâm đẹp mang những giá trị thiêng liêng dẫn vào cõi hạnh phúc đời đời.
Cái tâm có những giá trị thiêng liêng vô giá là cái tâm rất đẹp. Cái tâm có một Đấng thiêng liêng vô cùng tốt đẹp hiện diện là cái tâm đẹp nhất.
3.
Tôi nghĩ như vậy. Tôi thấy như vậy. Khi tôi gặp những con người có cái tâm mang những giá trị thiêng liêng, và trong họ có Đấng thiêng liêng hiện diện, tôi cảm nhận rất rõ: Đây chính là một ơn huệ Chúa ban, và trong ơn huệ đó, tôi nhận ra Đấng ban ơn huệ. Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đang đến với tôi. Người đến để cứu tôi.
4.
Chúa Giêsu cứu tôi thế nào? Chúa cho tôi nhớ lại lời thánh Phêrô nói: “Anh em hãy biết rằng: Không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc, mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ máu châu báu của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Giêsu Kitô” (1Pr 1,18).
Với một cách tế nhị, Chúa dạy tôi thêm điều này: Để đón nhận ơn Chúa cứu tôi, và để cộng tác vào việc Chúa cứu tôi, thì một cách nào đó, tôi cũng phải như có một chút máu của chính mình pha vào máu của Chúa Giêsu.
5.
Hiểu như vậy là đã bắt đầu cầu nguyện. Tôi cầu nguyện để được can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường đổ máu mình ra một cách nào đó âm thầm. Tôi bước từng bước.
Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu lên cơn xao xuyến, bồi hồi, sợ hãi, đến nỗi “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).
Khi những trường hợp nhiều ít tương tự như thế xảy ra cho tôi, tôi mới thấy đau đớn của Chúa Giêsu thực là kinh khủng. Cộng tác vào sự hy sinh đó của Chúa, chỉ một ít thôi, cũng chẳng dễ chút nào.
6.
Trong dinh tổng trấn Philatô, Chúa Giêsu bị đội mão gai, bị người ta khạc nhổ vào mặt, bị người ta đánh đập chế giễu (x. Mc 15,16-20).
Khi những trường hợp nhiều ít tương tự như thế cũng xảy ra cho tôi, tôi mới thấy sự nhục nhã khốn khổ Chúa phải chịu thực là khủng khiếp. Cộng tác vào sự hy sinh đó của Chúa, dù chỉ một chút nhỏ thôi, cũng không dễ chút nào.
7.
Trên Núi Sọ, Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, giữa hai tên cướp (x. Mc 15,23-37).
Khi trường hợp nhiều ít tương tự như thế cũng xảy ra cho tôi, tôi mới cảm thấy thấm thía sự loại trừ man rợ Chúa phải chịu thực là hãi hùng. Cộng tác vào sự hy sinh đó của Chúa, dù chỉ một chút rất nhỏ, cũng không dễ chút nào.
8.
Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã kêu lớn tiếng: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc 15,34).
Khi trường hợp nhiều ít như thế xảy ra cho tôi, tôi mới thấy sự cô đơn tăm tối Chúa Giêsu phải chịu thực là quá sức tưởng tượng. Cộng tác vào sự hy sinh đó, dù chỉ một chút rất nhỏ thôi, cũng không dễ chút nào.
9.
Trên thánh giá, trong đau đớn cực độ do người ta làm cho Người, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và, trong cô đơn cực độ, như bị Chúa Cha bỏ rơi, Chúa Giêsu đã kêu lên “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Khi những trường hợp nhiều ít như thế xảy ra cho tôi, tôi mới thấy sự tha thứ cũng như sự phó thác của Chúa Giêsu, quả là những việc phi thường, vượt quá sức con người.
10.
Một thoáng trên đây cho thấy: Bước theo Chúa Giêsu trên đường thánh giá đúng là như chịu một phép rửa mới. Tôi tạm gọi như thế.
Phép rửa thứ nhất tôi đã được chịu khi còn bé, là phép Rửa bằng Nước.
Còn phép Rửa thứ hai tôi đang được chịu lúc này là phép Rửa bằng Máu. Máu đang rửa tôi là máu Chúa Giêsu. Còn máu tôi đổ ra chỉ là những hy sinh nhỏ bé, những từ bỏ mình hèn mọn, được pha trộn vào máu Chúa Giêsu. Được như vậy, là một vinh dự cho tôi.
Nhưng khi vinh dự là những đớn đau của thánh giá Chúa Giêsu, thì phải có ơn đặc biệt của Chúa mới hiểu được và mới vui nhận được.
11.
Tôi thấy, tại Việt Nam hôm nay, Chúa đang ban ơn đặc biệt đó cho nhiều người. Họ âm thầm thuộc về nhiều tầng lớp, rải rác khắp nơi. Họ như tự chôn vùi mình trong cuộc sống bình dị, theo gương Đức Mẹ và thánh Giuse.
Cái đẹp chung của họ là họ bước theo Chúa Giêsu, sống niềm hy vọng của thập giá Chúa Giêsu. Cái tâm của họ được rửa trong máu tình yêu thương xót Chúa. Cái tâm của họ mang những giá trị thiêng liêng có chiều kích đi về cõi Phúc đời đời. Cái tâm của họ có Đấng thiêng liêng hiện diện. Đấng ấy là tình yêu giàu lòng thương xót. Người là sự sống lại của họ.
Như vậy, chúng ta đã có thể tự do chọn hướng sống của chúng ta, cho dù tình hình xã hội đang diễn biến phức tạp. Chọn được từng ngày rửa mình bằng phép Rửa thứ hai, tức là phép Rửa của thập giá Chúa Giêsu là chọn cho mình niềm hy vọng vững bền và cũng là niềm vui vô giá. Chọn lựa đó rất có lợi cho mình, cho Hội Thánh và cho Quê Hương.
Xin hết lòng khiêm tốn cảm tạ Chúa giàu lòng thương xót.

Long Xuyên, ngày 14 tháng 2 năm 2014.

Vài hình ảnh về Chuyến ra đi cuối cùng của Cha Xứ Thánh Linh Gioan B. TRẦN QUANG TRUNG


Vài hình ảnh về Chuyến ra đi cuối cùng của Cha Xứ Thánh Linh
Gioan B. TRẦN QUANG TRUNG
theo Cha J.B Trần Đinh Tử

Thánh lễ an táng Cha JB Trần Quang Trung tại Gx Thánh Linh kênh D1


Ngày 26/2/2014
Vô cùng thương tiếc Cha J.B Trần Quang Trung Chánh Xứ Thánh Linh Kênh D1
theo (Thủy Phan)

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Của Lễ Hy Sinh

+ GB. BÙI TUẦN

 

 

 

Lời đầu xuân mới
CỦA LỄ HY SINH

1.
Dịp đầu Xuân mới này, tôi tha thiết xin Chúa ban cho tôi một Lời Chúa làm lộc Xuân. Lời Chúa như lộc Xuân, mà Chúa ban, được tôi coi như phương hướng tôi phải tập trung vào, để sống đức tin trong Năm Giáp Ngọ - 2014.
2.
Chúa soi vào lòng tôi Lời Chúa sau đây: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
3.
Lời Chúa trên đây có nhiều ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa nổi nhất, mà Chúa kêu gọi tôi hãy đón nhận, đó là: tôi hãy nên của lễ hy sinh như Chúa muốn. Cụ thể như sau:
a) Hãy là của lễ hy sinh suốt đời, ở sự làm mọi việc lành và chịu mọi khổ đau với tinh thần sám hối đền tội. Bởi vì tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót.
b) Hãy là của lễ hy sinh suốt đời, ở sự dâng đời mình với những hy sinh cụ thể, để cầu nguyện cho mọi người thân đã qua đời.
c) Hãy là của lễ hy sinh suốt đời, ở sự hiến dâng bản thân mình với  những hy sinh quảng đại, để phục vụ Hội Thánh và Quê Hương.
d) Hãy là của lễ hy sinh trong đời sống thường ngày ở sự phục vụ tình yêu Chúa đối với mọi người.
Thường ngày, khi phục vụ cho tình yêu tha nhân, tôi phải hy sinh nhiều, để biết tế nhị, nhất là trong bổn phận hiếu thảo, biết ơn và tình nghĩa. Thiếu hy sinh, tôi dễ có những xúc phạm đến người khác trong tư tưởng, lời nói và thái độ. Một chút xúc phạm nhỏ có thể gây nên thương tích lớn cho người khác. Hậu quả sẽ khôn lường.
e) Hãy là của lễ hy sinh trong những dịp khác thường đặc biệt, ở sự tôi phải sẵn sàng hy sinh trọn vẹn tất cả mạng sống mình vì mến Chúa và vì yêu thương người khác.
f) Hãy là của lễ hy sinh trong trường hợp khác thường không đặc biệt vẫn xảy ra, khi đối tượng tôi phải phục vụ là những người già cả, những người bệnh nạn, những người tật nguyền. Thường thì Chúa không đòi tôi phải hy sinh mạng sống tôi cho họ. Nhưng Chúa đòi tôi phải hy sinh, ít là ở mức độ nhân bản, để họ cảm thấy mình được kính trọng, được yêu thương, được nâng đỡ, nhờ đó mà họ nghĩ đến Chúa.
Ở đây, tôi xin tận tình cảm ơn những người đã hy sinh cho tôi và vì tôi. Nhờ họ, và qua họ, Chúa đã ban tôi sự sống và sự sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Hy sinh nhiều, hy sinh cụ thể, hy sinh quảng đại, hy sinh quên mình, đó là dấu ấn Chúa muốn tôi đóng vào mọi của lễ tôi dâng lên Chúa.
4.
Sống như  một của lễ hy sinh sẽ làm cho đời tôi có một ý nghĩa cao quý. Bởi vì sống như một của lễ hy sinh sẽ đem lại nhiều ích lợi cao cả cho muôn vàn người.
Xưa, với 5 chiếc bánh và 2 con cá của một đứa trẻ, Chúa đã nuôi hơn hai ngàn người, mà hãy còn dư (x. Ga 6,1-15). Tương tự cũng thế. Với lễ vật hy sinh của một người hèn mọn, Chúa cũng sẽ nuôi được rất nhiều linh hồn. Bởi vì của lễ hy sinh của họ được gắn kết vào của lễ hy sinh của Chúa Giêsu là một lương thực vô cùng phong phú có sức cứu độ cho cả nhân loại.
5.
Sống ơn gọi làm của lễ hy sinh như vậy mang một xác tín huy hoàng. Đó là thấy mình có một tự do nội tâm vững chắc, chọn cho mình một hướng đúng, đi về với Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót. Niềm vui ấy sẽ đời đời bền vững trên thiên đàng là cõi Phúc vô cùng vô tận.
6.
Sống ơn gọi làm của lễ hy sinh như vậy là chấp nhận sống khó nghèo như Chúa Giêsu: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi để gối đầu” (Mt 8,20). Sống khó nghèo không phải chỉ trong lãnh vực của cải, mà cũng trong lãnh vực chức quyền, danh dự, và trong lối sống.
7.
Sống ơn gọi làm của lễ hy sinh đòi tôi phải phấn đấu rất nhiều, không những để xa tránh tội lỗi và chống lại các thói hư tật xấu nơi tôi, mà còn để sống thực sự theo thánh ý Chúa. Một điều trong những sự Chúa muốn là tôi phải phấn đấu cam go để có thể vượt qua được những đau đớn, tủi nhục, cay đắng, thất vọng do thực tế cuộc đời gây nên cho tôi từ nhiều phía, kể cả từ phía lỗi lầm của tôi. Trong phấn đấu, tôi tin Chúa ở bên tôi.
8.
Sống ơn gọi làm của lễ hy sinh như vậy là sống niềm hy vọng đầy vui mừng hạnh phúc: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết. Cũng không còn tang tóc và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4). Bởi vì “họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ” (Kh 21,3).


9.
Tôi chắc chắn điều này: Trong năm Giáp Ngọ 2014, Chúa đợi chờ ở Hội Thánh Việt Nam ta nhiều của lễ hy sinh. Chính những của lễ hy sinh đó sẽ mang lại Mùa Xuân cứu độ cho Quê Hương chúng ta và cho muôn vàn người thiện chí, chân thành.
10.
Tôi tin Chúa Giêsu, tôi theo Chúa Giêsu, nên tôi dâng mình làm của lễ hy sinh một cách trọn vẹn suốt cả cuộc đời, đó là hạnh phúc của tôi. Với hạnh phúc đó, tôi xin thân ái chia sẻ ơn gọi của tôi. Xin anh chị em thương cầu nguyện cho tôi.
Tôi tin rằng: Đón nhận ơn gọi làm của lễ hy sinh chính là đón nhận Chúa Giêsu của tôi.
Tôi cũng tin rằng: Với ơn gọi làm của lễ hy sinh, Chúa đang cứu tôi và cứu nhiều người khác khỏi những sự dữ gây hại cho phần rỗi.
11.
Chúng ta hân hoan bước sang Năm Mới trong Chúa Giêsu là của lễ hy sinh vô giá, Đấng cứu chuộc chúng ta, Đấng xoá tội chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta.
Vinh dự mà Chúa muốn ban cho chúng ta, khi bước sang Năm Mới này là: Được nên của lễ hy sinh theo Chúa Giêsu. Chúng ta có sẵn sàng đón nhận vinh dự đó không?
Dù đã sẵn sàng, dù chưa sẵn sàng, chúng ta cũng hãy cảm tạ Chúa đã thương yêu gọi chúng ta với những lời thân thiết nhất: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình, mà theo Thầy” (Mt 16,24).

Long Xuyên, ngày đầu Xuân Giáp Ngọ - 2014

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Buổi Chào Cờ Sinh Hoạt TNTT Giáo Xứ Chánh Tòa Long Xuyên Cha Sở Micae Giới thiệu Cha Phaolô Bá Tùng làm Tuyên Úy và thầy Phó Tế Minh Phúc làm Trợ úy.

Ngày 9/2/2014 Buổi Chào Cờ Sinh Hoạt TNTT của Xứ Đoàn Đức Maria Nữ Vương Giáo Xứ Chánh Tòa Long Xuyên. Cha Sở Micae Giới thiệu Cha Phaolô Bá Tùng làm Tuyên Úy và thầy Phó Tế Minh Phúc làm Trợ úy.
(theo Thủy Phan)

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

NĂM MỚI VÀ NHỮNG RA ĐI MỚI

+ GB. Bùi Tuần
hhdcgioan 2
 




NĂM MỚI
VÀ NHỮNG RA ĐI MỚI


1.
Từ ít tháng nay, tôi hay cầu xin Chúa ban cho tôi được ơn ra đi bình an trong ơn nghĩa Chúa.
Có một lúc, Chúa cho tôi thấy ý Chúa là thế này: Ra đi bình an trong ơn nghĩa Chúa là một hạnh phúc Chúa sẽ ban cho những kẻ tin theo Chúa biết cầu xin với Chúa.
Nhưng, điều mà các môn đệ Chúa cần cầu xin hơn, đó là biết ra đi hằng ngày trong suốt cuộc sống của mình.
Vâng ý Chúa, tôi cầu xin điều Chúa soi sáng cho tôi cầu xin, để trong năm mới này, tôi và các môn đệ Chúa biết ra đi trong chính cuộc sống của mình.
Dưới đây là những ra đi, mà Chúa muốn.
2.
Hãy ra đi như thánh Phanxicô Assisi.
Thánh Phanxicô Assisi đã ra khỏi cuộc sống tiền của và quyền chức, để đi vào cuộc sống khó nghèo, hèn mọn.
Trong cuộc ra đi này, thánh Phanxicô Assisi đã làm chứng điều thánh Gioan tông đồ đã khuyên: “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian, thì kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt, và thói cậy mình có của, tất cả  những cái đó đều không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian. Mà thế gian thì đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn Thiên Chúa, thì tồn tại mãi mãi” (1Ga 2,15-17).
Ngoài ra, cuộc ra đi của thánh Phanxicô Assisi cũng làm cho ngài trở nên bạn hữu thân thiết của những người nghèo khổ. Nhờ được ngài yêu thương gần gũi, những kẻ nghèo khổ cảm được mình được Chúa yêu thương, được Chúa cứu độ. Họ càng được an ủi, khi, qua sự thân thương của thánh Phanxicô, họ cảm thấy trong họ vẫn còn một cái gì cao quý trước mặt Chúa. Từ đó, lương tâm của họ được đổi mới, sẵn sàng đón nhận Nước Trời.
Như vậy, ra đi của thánh Phanxicô là một chuyến đi của tình yêu cứu độ, rất đẹp lòng Chúa.
3.
Cũng hãy ra đi như thánh Phanxicô Xavie.
Thánh Phanxicô Xavie đã bỏ cuộc sống an ổn và nơi ở ổn định, để đi đến những nơi xa lạ và những người nghèo túng, đem Tin Mừng đến những nơi và những người nghèo khổ.
Tin Mừng, mà ngài rao giảng cho họ đã rất đơn sơ, dễ hiểu. Tin Mừng là Chúa Giêsu, Đấng từ trời xuống, để đồng hành với họ, để thương yêu họ, để cứu họ. Giáo lý mà thánh Phanxicô Xavie dạy họ chỉ tóm tắt vào mến Chúa yêu người, như Chúa Giêsu đã dạy.
Khi thánh Phanxicô đến với những người gọi là ngoại đạo, tại những vùng đất xa lạ nghèo khó, ngài nhận thấy Chúa Thánh Thần đã tới đó từ lâu rồi. Bằng chứng là những nơi đó và những người ở đó đã sống theo một số điều thiện.
Mặc dầu gặp khó khăn, thánh Phanxicô Xaviê đã có thể nói như thánh Phaolô: “Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giêsu Kitô” (Rm 16,25).
Sự ra đi của thánh Phanxicô Xaviê là một chuyến đi đầy ơn Chúa.
4.
Cũng hãy ra đi như Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Ngài đã bỏ một cuộc sống với tình yêu chân thành đối với nhiều ưu đãi, để đi vào một cuộc sống đón nhận tình yêu đối với thánh giá Chúa Giêsu.
Quả thực, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã có một cuộc sống nhiều năm với những hoạt động tưng bừng cho nhiều công trình lừng lẫy, trong những điều kiện ưu đãi. Nhưng rồi sau đó, Chúa đã bắt ngài phải bỏ lại tất cả, để đi vào một cuộc sống đón nhận những bất ngờ đau đớn tập trung vào tình yêu thánh giá. Qua kinh nghiệm, ngài đã xác tín: Chỉ có tình yêu Chúa Giêsu trên thánh giá mới có thể đổi mới được các tâm hồn, đưa họ về với Chúa. Càng về cuối đời, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận càng có thể nói như thánh Phaolô: “Hồi còn ở giữa anh em, tôi không muốn biết đến chuyện gì khác, ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thánh giá” (1Cr 2,2).
Sự ra đi của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đúng là một hồng ân Chúa ban cho ngài, cho tôi và cho Hội Thánh.
5.
Cũng hãy ra đi như cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp.
Ngài đã bỏ ý định sống cho riêng mình, để đi  vào ý định sống cho giáo dân và chết thay cho giáo dân.
Giáo dân của ngài đều là những  người nghèo. Ngài chia sẻ cảnh nghèo với giáo dân. Ngài cứu giáo dân nghèo của ngài bằng những phương tiện vật chất và những phương tiện tinh thần. Sau cùng, ngài đã cứu đoàn chiên ngài bằng cách chết thay cho họ. Đi vào con đường chết thay cho đoàn chiên, cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đã bước theo Chúa Giêsu một cách cụ thể và quảng đại.
Với quyết tâm chết thay cho đoàn chiên, cha đã làm chứng về lời Chúa Giêsu đã phán xưa, trước khi Chúa bước vào cuộc tử nạn. “Không tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu người liều mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13).
Sự cha Phanxicô chết thay cho đoàn chiên đã và đang là một lời rao giảng Tin Mừng sáng giá nhất hiện nay tại Việt Nam. Đúng là một ra đi đầy ơn Chúa.
6.
Cũng hãy ra đi như Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Thánh Cha Phanxicô ra khỏi cung điện, để đi ở trong nhà trọ Martha. Với sự ra đi đó, ngài muốn đổi mới Hội Thánh, bằng cách chọn một cuộc sống giản dị hơn, khó nghèo hơn, gần gũi với những người nghèo hơn.
Với sự ra đi của ngài như hiện nay, người ta có quyền nghĩ rằng: Đức Phanxicô đang muốn làm chứng về Chúa Giêsu theo hình ảnh đã được thánh Phaolô phác hoạ trong thư gởi tín hữu Philipphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến chết, chết trên thập giá” (Pl 2,6-8).
Sự ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đang là một bài giảng gây chấn động khắp thế giới. Sự ra đi đó đúng là một sức mạnh có đầy ơn Chúa, để đổi mới Hội Thánh.
7.
Với những ra đi trên đây, Chúa cho tôi thấy là chính  những ra đi như thế đang làm nên Mùa Xuân cho Hội Thánh toàn cầu nói chung và cho Hội Thánh tại Việt Nam nói riêng.
Điều quan trọng nên biết, là những người ra đi như thế đều đã gặp được Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô luôn ở trong họ. Họ có đời sống nội tâm phong phú.
8.
Tôi có cảm tưởng là năm 2014 trùng với năm Con Ngựa sẽ có nhiều biến động và biến loạn dưới nhiều hình thức. Sẽ có nhiều cuộc ra đi. Không phải ra đi nào cũng tốt. Nên tôi tha thiết cầu xin Chúa ban cho chúng ta được luôn khiêm nhường và can đảm, biết dấn thân vào những cuộc ra đi thánh thiện như những ra đi trình bày ở trên. Ra đi như thế là để chứng minh đời ta có một chiều kích thiêng liêng sẽ đem lại hạnh phúc đích thực cho  mình, cho quê hương và cho mọi người.
9.
Thiết tưởng hình ảnh Hội Thánh Việt Nam cần được đổi mới. Hình ảnh các môn đệ Chúa tại Việt Nam càng rất cần được đổi mới. Đổi mới bằng cuộc sống tự nguyện nghèo, lo cho người nghèo, dám hy sinh, đến chết thay cho người nghèo, dâng mình làm của lễ tình yêu trên thánh giá để cứu chuộc người nghèo khổ. Hình ảnh đó muốn nói cho Quê Hương Việt Nam yêu dấu điều  này: Cái thiếu hụt trầm trọng hiện nay không phải là kinh tế nhưng là đạo đức.
10.
Thánh giá trên các thánh đường thực là đáng kính. Nhưng thánh giá trong cuộc đời những người nghèo khổ còn đáng kính hơn. Vì thế, nếu một ngày nào đó, thánh giá trên thánh đường bị hạ xuống, chỉ còn thánh giá trong những cuộc đời nghèo khổ, thì các môn đệ Chúa vẫn tìm được một cách ra đi hợp ý Chúa có sức cứu độ. Ra đi hợp ý Chúa nhất chính là cầu nguyện trên thánh giá.
Xin thân ái cầu chúc anh chị em một Năm Mới có những ra đi đầy ơn Chúa.
Xin cũng thương cầu nguyện cho tôi là kẻ có tội, bây giờ và trong giờ lâm tử.

Long Xuyên, ngày 14 tháng 01 năm 2014

Tết


Tết là cách đọc trại ra của từ tiết. Tiết chỉ mùa thay đổi nối tiếp, trong năm có nhiều cái tết: Nguyên Đán, Thanh Minh, Đoan Ngọ, Vu lan, Trung Thu… Tiết là mấu tre giữa hai lóng tre, đánh dấu sự chuyển tiếp giữa các đoạn của thân tre.

 
Tết Nhất: Chỉ về Tết Nguyên Đán, khởi đầu một năm, bắt đầu một chu kỳ mới, ngày tết nhất được dành cho việc tạ ơn và báo hiếu, đó cũng là sự khởi sự của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
 
Ba ngày tết: Một thuật ngữ quen thuộc trong cách tư duy số lẻ: Chỉ sự tròn đầy, ngày tết là những ngày ước mong mọi sự đều tiến triển tròn đầy phúc lộc trong cả năm. Xưa kia ba ngày tết còn chỉ đến tròn một tháng “thưởng xuân vui tết’ với ý nghĩa dân gian thành ca dao: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Vui ngày tết, có nhiều niềm vui, niềm vui Đất - Trời; Con Người với Thiên Nhiên, Con người với con người, cũng với bộ ba của sự hoà hợp, Thiên - Địa – Nhân, ngày tết người ta tạ ơn trời, chưng hoa cảnh, đi đến thăm nhau. Sự hoà quyện ấy diễn ra trong ngày đầu năm để cầu mong: Phúc - Lộc - Thọ trong cả năm. Ngày tết ở Trung Hoa còn gọi là ngày tam nguyên: Sáng đầu năm, sáng đầu tháng, sáng đầu ngày. Ba buổi sáng được bắt đầu vào một ngày nên gọi là tam nguyên.
 
Hái lộc đầu năm: Vào đêm giao thừa, nhiều người đến nhà chùa, sau lễ nhà thờ, đem lộc về nhà. Lộc phúc ấy như lời chúc phúc của trời phật hay của Thiên Chúa ân ban. Năm mới vào những ngày đầu năm, người ta thường nói những lời tốt đẹp, những câu chuyện vui, những lời chúc hoan hỷ để cả năm được ơn phúc.
 
Ăn Tết: Không chỉ riêng về ăn mà còn là nhắc đến những ngày họp mặt trong gia đình, trong thâm tâm người Việt dù có đi đâu xa, ba ngày tết cũng muốn về đoàn viên cùng gia đình mỗi khi có thể. Trong lúc do đời sống kinh tế phải bôn ba khắp chốn, về quê ăn tết luôn là thuật ngữ quen thuộc đối với nhiều người. Không khí của những ngày tết đối với người xa quê luôn để lại những u buồn nếu không về được. Khó có thể diễn tả được nỗi buồn của những người ăn tết xa quê, thiếu một điều gì rất ý nghĩa trong cả một năm. Ăn tết không chỉ là ăn nhưng còn là những ngày đến bên người quá cố thắp nén hương tưởng nhớ, sửa sang lại phần mộ người thân, cắm lên những bó hoa lòng cảm mến. Ăn tết có nhiều ý nghĩa mà những ngày khác trong năm khó có thể thay thế. Thường khi dịp tết, ở những nơi công xưởng đang mùa sản xuất có muốn lưu giữ những người làm việc ở lại cũng khó, bao nhiêu người dành trọn những ngày phép năm vào trong dịp ăn tết này để có thể thu xếp “về quê ăn tết”.
 
Du Xuân: Những ngày tết thường có nhiều lễ hội, về quê thường tham dự nhiều lễ hội hơn khi ở thành phố, nếu ở thành phố có lễ hội cũng giống như người ta “diễn kịch” thiếu mất cái hồn quê chính yếu của lễ hội. Hội tết có lẽ bắt đầu từ trước tết bằng những phiên chợ tết: Hoa - Cảnh – bánh – Trái – Rau quả - Thịt, bao nhiêu thứ sản phẩm được chuẩn bị cho ngày tết, nên việc đi chợ trước tết thường nhiều niềm vui mua sắm hơn những ngày trong năm. Ở các công ty, lương tháng mười ba được trao vào dịp này, trước khi nhân viên đi nghỉ tết. Cũng giống như đồng lương phụ trội của tháng mười ba, đồng lương này dành cho việc, biếu quà, mua sắm, vui tết.
 
Hội Tết thường được tổ chức sau ba ngày tết là dịp nhắc nhở những truyền thống của làng hoặc của quê hương. Người làng này sang làng kia dự hội tết, vừa có thời gian thăm nhau, vừa được hiểu biết thêm về những truyền thống của những nơi mình đến. Ngày tết không chỉ kéo dài để thưởng xuân nhưng còn để đủ thời gian thắp lại những tình thân và chuẩn bị cho những mối tình hẹn đến mùa cưới trong năm.
 
Tết còn rất nhiều điều để ghi nhớ nhưng có lẽ hãy để hưởng tết để có nhiều cảm nghiệm vẫn hay hơn là nói nhiều về tết.
 
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Bánh Chưng Và Bánh Tét


Đăng lúc: Thứ sáu - 17/01/2014 20:36 - Người đăng bài viết: tinvui@dmin
Bánh Chưng Và Bánh Tét
Bánh Chưng Và Bánh Tét
Bánh Chưng là đặc sản của người miền Bắc và bánh tét là đặc sản miền Nam .
 
Bánh chưng có nguồn gốc từ thời Lang Liêu mang hình vuông và đi chung với bánh dầy mang hình tròn, nói lên sự vuông tròn của một ước nguyện. Có lẽ bánh tét là loại bánh kết hợp giữa vuông và tròn nên vừa tròn lại vừa vuông được gói theo đòn, không xếp theo tầng mà treo thành dây. Bánh tét có trong lịch sử thời vua Quang Trung Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc dẹp tan quân Nhà Thanh xâm lược năm Kỷ Dậu (1789).
Một loại bánh mang đậm nét của lòng hiếu kính một loại bánh mang dấu ấn của việc giữ gìn, hai loại bánh bổ sung cho nhau về ý nghĩa, nên ngày tết thường thấy cả hai bánh chưng và bánh tét xuất hiện.
Bánh chưng và bánh tét đều được làm nguyên liệu giống nhau, chỉ khác hình dáng và lá gói bên ngoài. Bánh chưng thơm mùi lá dong, bánh tét thơm mùi lá chuối, tuy khác nhau về phương ngữ nhưng cùng là một quốc ngữ, “Người trong một nước phải thương nhau cùng”, ý nghĩa là vậy.
Bánh chưng và bánh tét có hai loại, dùng mặn và dùng chay: Chay thì nhân đậu, nhân chuối, nhân khoai, bỏ đường . Mặn thì nhân thịt, hành, trứng, muối, đậu.
Bánh chưng được dâng cho cha, bánh tét cũng được quảy về dâng mẹ, mang cùng ý nghĩa của nền “văn hoá gia đình”. Về quê những ngày giáp tết không thể không nhớ những ngày gói bánh ngồi canh nồi nấu bánh.
Quê hương là vậy, giản đơn như ông ngồi dạy cháu gói từng chiếc bánh, là khói lam chiều, là những giây ràng gói bánh, là những chiếc bánh, là mùi vị của chiếc bánh được bóc ra, là ly trà trong đêm, hoặc cút rượu ấm chuyện trò trong khi trông chừng nồi bánh đang nấu.
Dù người ta có gói bánh để bán nhiều ngoài chợ, nhưng nhiều gia đình vẫn thích ngồi tự gói bánh và nấu hơn do chính tay mình làm ra. Ý nghĩa của chiếc bánh nhiều hơn là chiếc bánh được ăn trong ngày tết. Đó là tình tự của quê hương trong tâm hồn ngừơi Việt, khó có thể thay thế.
Joshkimt


Tự làm giò thủ đón Tết Giáp Ngọ



Giò thủ, còn gọi là giò xào không thể thiếu trong mâm cỗ xứ Bắc ngày tết. Giò thủ thường ăn kèm với dưa cải muối chua vàng ruộm để làm giảm chất béo. Cùng làm giò thủ gói bằng lá chuối, thơm ngon hơn hẳn mua giò thủ gói sẵn ở tiệm.


Nguyên liệu:

- 1 kg thịt sống gồm: tai, mũi, thịt nạc, lưỡi
- 5 củ hành tím
- 2 muỗng nước mắm cốt
- ½ muỗng muối hột
- 2 muỗng hạt tiêu
- 100 gr mộc nhĩ (nấm mèo)
- 5 miếng lá chuối, 1 sợi dây nilon để buộc





alt





Cách làm:

- Luộc sơ các loại thịt và rửa sạch cho hết mùi hôi.

- Luộc thịt tiếp cho chín mềm (khoảng 30 phút). 

- Thái mộc nhĩ đã ngâm nước cho nở to cỡ lóng tay.

- Phi hành tím cho thơm và cho thịt đã thái mỏng vào xào, cho mộc nhĩ, tiêu, nước mắm, muối, xào trong khoảng 5 phút.

- Lá chuối hơ qua lửa cho mềm, dễ gói hơn.

- Khi vừa bắc chảo thịt xuống, đổ nhanh vào miếng lá chuối, phải gói liền khi còn nóng để tất cả dính chặt vào nhau. Chú ý bó thật chắc tay và cột chặt.





alt




- Gói xong, để nguội rồi bỏ vào tủ lạnh.

- Khi ăn cắt khoanh, thưởng thức cùng dưa cải muối chua.




Tết này cùng gói bánh chưng nhé!

Thứ Bảy, ngày 02/02/2013 14:05 PM (GMT+7)
Sự kiện: Món ngon ngày Tết
Những chiếc bánh chưng thơm ngon tự làm sẽ khiến ngày Tết thêm ý nghĩa.
Gói bánh chưng tuy hơi cầu kì nhưng lại là sở thích của rất nhiều chị em.
Nguyên liệu: cho 5 bánh kích thước 12cm x 12cm
- Gạo nếp: 2kg
- Đỗ xanh khô đã cà vỏ: 500gr
- Thịt ba chỉ (hoặc sấn vai): 600gr
- Lá dong: 30 lá
- Lạt để buộc bánh
- Hành khô, hạt tiêu, muối, đường
Tết này cùng gói bánh chưng nhé! - 1
Cách làm:
Bước 1: Đỗ xanh ngâm nở trong vòng 2 tiếng. Đãi sạch và nhặt bỏ những hạt xấu rồi xóc với 1 thìa ăn cơm muối, sau đó cho vào nồi hấp, hấp chín.
Đỗ chín bở, dùng thìa tán cho thật nhuyễn, đem trộn đều đỗ với 2 thìa cà phê hạt tiêu, 2 thìa cà phê đường. Nắm đậu thành 10 nắm tròn bằng nhau.
Tết này cùng gói bánh chưng nhé! - 2
Bước 2: Thịt đem rửa sạch rồi bỏ thịt vào ngăn đá tủ lạnh để thịt hơi cứng lại cho dễ thái, thái thịt thành những miếng dài khoảng 7cm, dày cỡ 1cm.
Ướp thịt với 1 củ hành tím băm nhuyễn, 2 thìa ăn cơm mắm, 1thìa cà pê hạt tiêu, 2 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa ăn cơm đường. Sau đó lại cho thịt vào ngăn mát tủ lạnh vài tiếng để thịt ngấm gia vị.
Tết này cùng gói bánh chưng nhé! - 3
Bước 3: Gạo ngâm khoảng 2 tiếng cho mềm (chỉ cần ngâm 2 tiếng là đủ làm mềm gạo, không ngâm lâu sẽ làm gạo bị chua và bở).
Sau khi ngâm mềm thì đãi lại gạo vài lần cho sạch và nhặt bỏ những hạt xấu. Sau đó xóc gạo với 1 thìa ăn cơm muối và 1 thìa ăn cơm hạt nêm.
Tết này cùng gói bánh chưng nhé! - 4
Bước 4: Lá dong đem ngâm nước khoảng 15 phút, rửa sạch, lau khô.
Gập lá dong làm đôi theo chiều dọc, sau đó gập làm 4 theo chiều ngang.
Cắt 1 cái lạt dài đúng bằng chiều dài cạnh trong lòng khuôn, sau đó đặt chiếc lạt lên lá, đo từ phần gập ngang của lá tới đầu lá dài đúng bằng chiếc lạt thì cắt bỏ  phần lá thừa.
Mỗi chiếc bánh sẽ gấp 2 chiếc lá có mặt xanh đậm ra ngoài và 2 chiếc lá có mặt xanh nhạt ra ngoài.
Tết này cùng gói bánh chưng nhé! - 5
Bước 5: Xếp lạt thành hình chữ thập rồi đặt khuôn lên trên.
Đặt một chiếc lá có màu xanh đậm bên ngoài vào một cạnh khuôn, mở lá ra đẩy sang cạnh khuôn bên cạnh để lá tạo thành một góc vuông.
Bẻ 2 mép lá nằm phía dưới xuống đáy khuôn rồi gập 2 mép lá này thành hình tam giác. Dùng một chiếc lá có màu xanh đậm bên ngoài khác làm tương tự với góc đối diện (góc thứ 2) nhưng không cần gập 2 mép lá nằm dưới đáy khuôn thành hình tam giác.
Dùng 2 chiếc lá có màu xanh nhạt bên ngoài làm tương tự với 2 góc còn lại như làm với góc thứ 2.
Dùng 2 chiếc lá khác không cần cắt cho vào bên trong khuôn đặt theo hình chữ thập và đặt cho mặt đậm của lá ngửa lên trên. Mục đích để tạo thêm 1 lớp lá nữa cho chắc chắn, tránh việc khi nấu bánh lâu, bánh sẽ bị xì gạo ra các góc. Mặt đậm được đặt ngửa lên trên là để mặt đậm lá sẽ tiếp xúc trưc tiếp với gạo sẽ làm cho bánh được xanh.
Tết này cùng gói bánh chưng nhé! - 6
Bước 6: Xúc miệng bát con gạo (khoảng 200gr gạo) cho vào khuôn rồi vừa ấn vừa dàn đều gạo khắp đáy khuôn. Bóp một nắm đỗ rải đều lên trên gạo, đặt 2 miếng thịt lên trên đỗ rồi lại dùng một nắm đỗ khác rải đều cho phủ kín thịt (khi rải đỗ thì chừa lại, cách các cạnh khuôn khoảng 1,5 cm). Xúc miệng bát gạo khác rải đều xung quanh đỗ, rồi rải đều phủ kín mặt đỗ. Dùng tay ấn nhẹ gạo ở các góc và mặt bánh cho gạo nén xuống.
Cuối cùng gập các cạnh lá lại cho gọn, tay trái giữ cho lá khỏi bung ra, tay phải lấy khuôn ra đeo vào cổ tay trái. Đổi tay phải giữ lá rồi bỏ khuôn ra khỏi tay và kéo hai đầu của mỗi sợi lạt cột bánh lại.
Tết này cùng gói bánh chưng nhé! - 7
Bước 7: Xếp bánh chưng vào nồi theo chiều thẳng đứng và hai mặt đẹp của bánh quay vào nhau. Đổ nước ngập mặt bánh (nếu có nồi to thì đổ nước cao hơn mặt bánh càng nhiều càng tốt, sẽ đỡ mất công canh nước cạn để thêm nước). Khi luộc bánh mà thấy nước cạn không đủ ngập bánh thì lại đổ thêm nước sôi vào cho ngập mặt bánh (nên đổ nước sôi để bánh được xanh).
Nếu đun bằng bếp ga thì đun sôi sùng sục bánh ở lửa to chừng 25-30 phút rồi vặn lửa xuống mức nhỏ nhất có thể. Luộc bánh trong khoảng 10 tiếng, sau đó vớt ra ngâm vào chậu nước lạnh (nước đun sôi để nguội), rửa cho bánh sạch nhớt ở lá. Đặt bánh lên một mặt phẳng, dùng một thứ gì đó có mặt phẳng phủ kín chỗ bánh đặt lên mặt bánh rồi dùng vật nặng đè lên trên để ép cho bánh ra bớt nước và chặt lại (không đè quá nặng sẽ làm bánh bị lòi gạo ra các góc).
Sau vài tiếng ép bánh là chúng ta đã có được những chiếc bánh chưng xanh và rất ngon do tự tay mình làm rồi đấy.
Tết này cùng gói bánh chưng nhé! - 8
Tết này cùng gói bánh chưng nhé! - 9
Tết này cùng gói bánh chưng nhé! - 10
Tết này cùng gói bánh chưng nhé! - 11
Ngoài ra, cũng có bí quyết khác để bánh luôn được xanh. Chị em có thể đem lá riềng giã nát, sau đó đổ một chút nước vào cối, khuấy đều rồi lọc lấy nước xanh.
Gạo sau khi đã ngâm, đãi sạch và để ráo mình đem xóc với phần nước lá riềng vừa lọc. Cứ xóc đi xóc lại như vậy vài lần cho gạo ngấm màu xanh rồi để ráo nước, sau đó mới đem đi gói. Đảm bảo với bí quyết này Tết năm nay chị em sẽ cho “ra lò” những chiếc bánh vừa xanh vừa thơm ngon, cực kỳ ưng ý.
Chúc các bạn thành công!



Dưa món quá ngon cho Tết cổ truyền

 
Thứ Ba, ngày 18/01/2011 03:30 AM (GMT+7)
Dưa món là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền, dưa giòn rùm rụm ăn kèm với thịt nguội, bánh chưng, giò xào và thịt đông rất ngon.
 
Nguyên liệu:
Củ cải trắng
Cà rốt
Tỏi cắt lát
Ớt cắt lát
Nước mắm, đường
Keo/lọ dùng để đựng dưa
Chú ý: Phần nguyên liệu dưa món ,các bạn thêm su hào, đu đủ sống, củ kiệu tùy thích nhé.
Cách làm:
Dưa món quá ngon cho Tết cổ truyền - 1
Cà rốt, củ cải gọt vỏ cắt lát dài khoảng 0,5cm (hay cắt khúc dài rồi chẻ nhỏ lại tùy thích).
Nếu trời có nắng thì phơi nắng cho héo héo còn không có nắng thì cho vào lò nướng bật lò nhiệt độ nhỏ nhất, sấy cho héo trong vòng vài giờ.
Dưa món quá ngon cho Tết cổ truyền - 2
Nếu khô quá thì nên ngâm lại với nước lạnh cho mềm 1 chút.
Dưa món quá ngon cho Tết cổ truyền - 3

Khi nguyên liệu đã héo vừa ý, bắc nồi nước sôi cho tất cả vào trụng sơ khoảng 10 đến 20 giây.
Dưa món quá ngon cho Tết cổ truyền - 4

Cho ra thau nước lạnh ngâm và rửa lại vắt cho thiệt ráo nước.

Trong thời gian đó nấu nước mắm + đường và chút xíu nước cho sôi, tắt lửa chờ nguội. Nêm nếm cho đậm đà là được.


Dưa món quá ngon cho Tết cổ truyền - 5
Cho cà rốt, củ cải, tỏi, ớt vào lọ. Cho nước mắm đã nguội vào, dùng vỉ tre hay nhựa có đường kính bằng lọ, ấn cho tất cả rau củ không nổi lên khỏi mặt nước mắm là được.
Dưa món quá ngon cho Tết cổ truyền - 6

Cất vào tủ lạnh hay chỗ thoáng mát sau 3 ngày hay 1 tuần là dùng được.
Dưa món quá ngon cho Tết cổ truyền - 7
Gắp ra dĩa ăn kèm với bánh tét, bánh chưng hay thịt đông rất ngon.
Dưa món quá ngon cho Tết cổ truyền - 8
Chúc các bạn thành công với dưa món nhé !