Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Đức Tân Giám Mục Phụ Tá Giuse

 
Hiệp Thông tạ ơn
Hiệp Thông tạ ơn Chúa cùng Giáo Phận
Đức Tân Giám Mục Phụ Tá Giuse và lớp Giuse 66 Long Xuyên
theo ( Trần Đinh Tử )

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Lớp Giáo Lý Thêm Sức cầu Nguyện với Cha Sở Micae Lê Xuân Tân, tại Giáo Xứ Chánh Tòa Long Xuyên


Ngày 30/3/2014
Lớp Giáo Lý Thêm Sức cùng 10' cầu Nguyện với Cha Sở Micae Lê Xuân Tân, tại Giáo Xứ Chánh Tòa Long Xuyên!
theo ( Thủy Phan )

MỘT CHUYỆN RIÊNG TƯ NÊN ĐƯỢC CHIA SẺ

+ GB. Bùi Tuần
hhdcgioan 2
 




MỘT CHUYỆN RIÊNG TƯ
NÊN ĐƯỢC CHIA SẺ

1.
Tuần lễ trước đây, tôi đau nặng. Tự mình không thể đứng dậy được, tự mình không thể bước đi được. Trong cơn đau, tôi thở than với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, Chúa đã hứa với các môn đệ Chúa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). “Hôm nay, lúc này, Chúa có ở cùng con không? Con mệt lắm. Xin Chúa thương con”.
2.
Tối thứ sáu tuần đó (28.3.2014) tôi đi ngủ như mọi tối. Trong giấc ngủ, tôi chiêm bao thấy Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến với tôi. Ngài đi một mình. Tôi đang dâng lễ riêng, thì thấy Ngài đứng đồng tế bên tôi. Tôi cảm động và vui sướng. Bừng tỉnh, tôi cảm thấy có một sự gì lạ đang xảy ra cho tôi. Tôi bớt đau nhiều. Tôi cảm tạ Chúa, rồi tiếp tục ngủ.
Lạ lùng. Tôi lại chiêm bao thấy Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến với tôi. Tôi đi đâu, Ngài cũng đi theo. Qua cộng đoàn này tới cộng đoàn kia, Ngài và tôi đều rất vui. Không biết cơn chiêm bao đã kéo dài bao lâu, nhưng khi tôi tỉnh giấc, xem đồng hồ, thì thấy đêm vừa bắt đầu sang ngày thứ bảy (29.3.2014). Tôi hạnh phúc vô chừng.
3.
Tôi thấy những gì tôi vừa chiêm bao là quá bất ngờ. Tôi chợt hiểu, với chiêm bao đó Chúa trả lời tôi: “Chúa ở cùng con mọi ngày cho đến tận thế là như thế đó”.
Tôi tin Chúa thực sự ở với tôi, nhất là khi tôi được đưa vào con đường thương khó, để vác thánh giá theo Chúa Giêsu lên Núi Sọ.
Trong thử thách, tôi cảm thấy cô đơn đau khổ. Chúa vẫn ở bên tôi một cách thiêng liêng, kín đáo. Nhưng nhiều khi, Chúa dùng những người của Hội Thánh bằng xương bằng thịt, để họ ủi an nâng đỡ và đồng hành với tôi. Người của Hội Thánh nói đây là Đức Giáo Hoàng hoặc một thành phần nào đó của Hội Thánh. Họ đã có kinh nghiệm phần nào về Chúa Cứu Thế và về con đường thánh giá của Người. Họ xác tín: Được thông phần vào thánh giá Chúa Giêsu để cứu các linh hồn là một vinh dự. Họ chia sẻ xác tín đó cho tôi. Tôi cảm ơn họ.
4.
Những ý tưởng trên đây tự nhiên sáng rực lên trong tôi. Đột nhiên tôi nhận ra rất nhiều người của Hội Thánh gần xa đang âm thầm được Chúa dùng để nâng đỡ tôi. Họ chính là dấu chỉ hữu hình của sự Chúa ở cùng tôi trên con đường thánh giá.
Những dấu chỉ ấy, mà tôi gọi là bằng xương bằng thịt, đều mang trong mình những đặc điểm của Chúa Cứu Thế, như hiền lành, khiêm nhường, yêu thương, tế nhị, như những đức tính của Đức Gioan Phaolô II mà tôi không bao giờ quên, bởi vì tôi đã được hạnh phúc gặp Ngài nhiều lần riêng tư.
5.
Tôi nhìn chiếc đồng hồ đeo tay toàn màu trắng, mà chính tay Đức Gioan Phaolô II đã tặng tôi. Khi trao tặng, Ngài cầu chúc: Hãy can đảm. Tôi hiểu ý Ngài là tôi hãy can đảm trở thành của lễ hy sinh dâng cho Chúa từng phút từng giây.
Hãy can đảm! Chiếc đồng hồ này còn chạy tốt, nó cũng như vẫn nhắc lại lời Đức Thánh Cha: Hãy can đảm. Tôi biết mình rất yếu đuối, không đủ can đảm. Nên tôi xin Đức Thánh Cha nay đang ở trên trời, hãy thương giúp tôi, thỉnh thoảng xin đến khích lệ tôi. Tôi cảm thấy Ngài rất gần gũi tôi.
6.
Cứ như thế, những giờ đầu của buổi sáng hôm đó, thứ bảy (29.3.2014), là một thời gian đầy an ủi đối với tôi. Tôi được thêm sức sống. Ngay lúc ấy, tôi được một nguồn tin đáng tin cậy cho biết: Toà Thánh sắp bổ nhiệm một linh mục giáo phận Long Xuyên làm Giám mục. Tôi cầu nguyện. Vì tôi coi chức Giám mục là một gánh rất nặng.
7.
Tôi được gặp vị linh mục đó. Cha thực sự tỏ ra bối rối và sợ hãi. Tôi trấn an Ngài: Hãy can đảm. Chúa sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Tôi chia sẻ với Ngài đôi chút kinh nghiệm của tôi. Can đảm không phải để làm những việc lớn, nhưng là để làm những việc thực sự do Chúa sai làm.
Trong đời mục tử của tôi, tôi sợ nhất đoạn sau đây trong Phúc Âm thánh Matthêu: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao. Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,21-23).
8.
Suốt thời gian thực thi nhiệm vụ giám mục, tôi hay trình bày tất cả mọi sự tôi làm lên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Tôi chỉ làm những gì được Ngài uỷ quyền chấp thuận và sai đi. Vì thế Ngài rất thương tôi. Và tôi được bình an.
9.
Tôi thấy hiện tình Hội Thánh tại Việt Nam rất phức tạp. Nếu không tỉnh táo hiệp thông chặt chẽ với Đức Giáo Hoàng, và lắng nghe Chúa Thánh Thần, thì nhiều tín hữu, kể cả mục tử, sẽ có thể cứ nhân danh Chúa mà làm những công trình lớn lao, nhưng thực sự không phải là ý Chúa.
Một thí dụ cụ thể. Lễ tấn phong linh mục nhất là tấn phong Giám mục nên được tổ chức thế nào cho hợp ý Chúa. Hiện nay tổ chức long trọng, linh đình, hoành tráng là một chọn lựa dễ coi như hợp lý. Nhưng có những mức độ và tính cách long trọng, linh đình, hoành tráng coi như hợp lý, nhưng có thể lại không hợp thánh ý Chúa. Biết như thế, nhưng nếu không đủ can đảm làm theo ý Chúa, cứ tìm cách làm theo ý riêng dưới chiêu bài nhân danh Chúa, thì tôi sợ, cứ thế từng bước, nhiều người trong Hội Thánh tại Việt Nam sẽ dần dần thiết lập một Hội Thánh xa lạ với thánh ý Chúa. Rồi cứ ảo tưởng đó là một Hội Thánh sốt sắng, nhiệt tình.
10.
Hơn bao giờ hết, các mục tử của Chúa tại Việt Nam hôm nay phải thực sự can đảm bước theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã cứu nhân loại bằng những lời cầu nguyện đau đớn và cuộc tử nạn đớn đau. Chúng ta được kêu gọi trở thành những người cộng tác với Chúa Giêsu trong chương trình cứu độ của Chúa, thì chúng ta không nên lựa chọn con đường khác con đường mà Chúa đã chọn. Đó mới là can đảm đích thực. Tôi có cảm tưởng là gia đình giáo phận Long Xuyên chúng tôi luôn đi theo sự can đảm đó.
11.
Đột nhiên, tôi nhớ có lần tôi đã nói nhỏ với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II rằng: Con xin bằng lòng chịu mọi sự đau đớn con gặp phải, để dâng lên Chúa, với mục đích cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Lúc này, tôi cũng muốn nói tương tự như vậy với các Đức giám mục thân yêu của tôi tại Quê Hương Việt Nam hôm nay. Các ngài đang là sự hiện diện làm chứng cho sự thánh thiện của Chúa Giêsu. Làm chứng như thế không do sự chúng ta làm gì, cho bằng sự chúng ta là gì. Chúng ta là những người mang Chúa Giêsu trong mình.

Long Xuyên, ngày 31 tháng 03 năm 2014



Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

LẠY CHÚA, XIN DẠY BẢO CON

+ GB. Bùi Tuần
hhdcgioan 2
 







LẠY CHÚA, XIN DẠY BẢO CON





1.
Sự Chúa hiện diện trong cuộc sống của tôi là điều số một tôi quan tâm hằng ngày. Bởi vì tôi tin: Chúa là Đấng đưa tôi tới đích điểm sau cùng của đời tôi, tức cõi phúc đời đời.
2.
Đức tin dạy tôi về sự Chúa hiện diện trong đời tôi bằng nhiều hình ảnh sống động và thân thương. Như: Chúa ở trước mặt tôi, Chúa ở bên tôi, Chúa ở trong tôi.
3.
Tôi tin và dần dần tôi cảm nhận thấy điều tôi tin là rất sống động. Chúa là Đấng vô hình. Nhưng tôi cảm nhận thấy Người yêu thương tôi, Người dạy dỗ tôi, Người dẫn dắt tôi, Người bảo vệ tôi, Người giải cứu tôi, Người an ủi tôi.
4.
Tin như vậy đã trở thành gặp gỡ. Sự gặp gỡ này rất sống động, rất thân mật và rất riêng tư.
5.
Gặp gỡ như thế đòi một sự gắn bó chân thành. Sự gắn bó ấy được Chúa Giêsu mô tả bằng một hình ảnh dễ hiểu. Người nói: “Thầy là cây nho, các con là cành…Cũng như cành nho không thể tự mình sinh ra hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho. Các con cũng vậy…Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,1-5).
6.
Trong thinh lặng nội tâm, tôi hay nói với Chúa hiện diện trong tôi câu này: “Lạy Chúa, xin dạy bảo con những gì là hoa trái mà Chúa muốn nơi con”.
Để trả lời, Chúa dẫn đưa lòng trí tôi vào Phúc âm, nơi đó có ghi lại lời Chúa. Hiện giờ, hơn bao giờ hết, Chúa dạy bảo tôi qua bốn dụ ngôn được ghi lại trong Phúc âm thánh Matthêu. Bốn dụ ngôn này đều đưa ra loại người tốt và loại người xấu. Chọn làm theo gương người tốt, đó là điều sinh hoa trái tốt.
Vì khao khát sinh được hoa trái tốt, tôi dừng lại ở từng loại người tốt, mà Chúa nêu lên, để nhận ra đặc điểm. Tôi thấy thế này:
7.
Trong dụ ngôn về những đầy tớ, thì có loại đầy tớ trung tín và loại đầy tớ bất trung. Người đầy tớ trung tín là “người cấp phát lương thực cho gia nhân đúng giờ đúng lúc” (Mt 24,45). Tôi tự hỏi mình: lối sống của tôi, những chia sẻ của tôi có mang tính chất lương thực tinh thần phục vụ cho dân Chúa đúng thời điểm không?
8.
Trong dụ ngôn về 10 người trinh nữ, thì có loại trinh nữ khôn ngoan và loại trinh nữ khờ dại. Trong đêm tối, những trinh nữ khôn ngoan “vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo” (Mt 25,4). Tôi tự hỏi mình: tôi làm những việc đạo đức bề ngoài, nhưng bên trong tôi có dầu là lửa mến Chúa yêu người thực không?
9.
Trong dụ ngôn những người quản lý, thì có loại quản lý siêng năng và có loại quản lý lười biếng. Người quản lý siêng năng là người biết dùng những của cải chủ trao phó mà làm ra lời. (x. Mt 25,14-23). Còn người quản lý lười biếng thì đem chôn của cải được trao. Tôi tự hỏi: Chúa trao cho tôi một số của cải vật chất và tinh thần, tôi có dùng những vốn đó để làm ra lời cho Nước Chúa không?
10.
Trong dụ ngôn về ngày phán xét chung, thì có loại người được thưởng lên thiên đàng, và có loại người bị phạt phải xuống hoả ngục. Loại người được thưởng lên thiên đàng là người hảo tâm, biết xót thương những ai đau khổ, (x. Mt 25,31-40). Còn loại bị phạt xuống hoả ngục là những người ác tâm, vô tâm, không biết xót thương những người đau khổ. Tôi tự hỏi: tôi có xót thương những người đau khổ không?
11.
Tôi xét mình theo bốn dụ ngôn một cách chân thành. Tôi thấy tôi thực sự luôn muốn chọn làm theo gương những người tốt, mà Chúa nêu lên. Nhưng tôi cũng phải thú nhận sự thực này là có nhiều trường hợp, việc thực hiện những lựa chọn của tôi đã có những lỗi lầm, thiếu sót.
Lỗi lầm hay xảy ra nhất là sự tôi nôn nóng sớm được nhìn thấy những hoa trái do những lựa chọn tôi thực hiện theo lời dạy của Chúa. Những hoa trái mà tôi mong có thể không phải là hoa trái mà Chúa muốn.
Lỗi lầm hay xảy ra cho tôi còn là sự tôi tưởng việc thực hiện làm theo những mẫu gương tốt là rất dễ dàng.
Tôi sám hối, xin Chúa thứ tha.
12.
Lạy Chúa, xin dạy bảo con”. Chúa dạy bảo tôi điều này là: Lựa chọn gắn bó với Chúa, lựa chọn thực thi lời Chúa, lựa chọn làm theo những gương tốt mà Chúa nêu lên, tất cả những lựa chọn đó đều là cuộc chiến đấu gay go.
13.
Lạy Chúa, xin dạy bảo con”. Chúa dạy bảo tôi: Phải cầu nguyện thật nhiều, phải có lòng khiêm tốn sâu xa, phải có tinh thần thơ ấu thiêng liêng và nghèo khó, mới có thể đón nhận được ơn Chúa, để sinh ra được những hoa trái tốt đẹp mà Chúa muốn. Những hoa trái đó cũng vẫn là những ơn Chúa ban. Hoa trái này sinh ra cách nào, lúc nào, dưới hình thức nào, tôi phải khiêm tốn phó thác nơi Chúa. Có thể tôi chỉ gặp thất bại. Nhưng trước mặt Chúa, thất bại ấy lại đưa tới thành công.
14.
Lạy Chúa, xin dạy bảo con”. Tôi không ngừng xin Chúa dạy bảo tôi. Và lúc này, Chúa đang dạy bảo tôi một điều hết sức quan trọng, đó là gương người tốt nhất chính là Chúa Giêsu trên thánh giá. Đó là gương yêu thương thắng ghen ghét, gương khiêm nhường thắng kiêu căng, gương nghèo khó thắng hưởng thụ giàu sang quyền lực, gương tha thứ thắng hận thù, gương hiền lành thắng giận dữ.
Bây giờ, tôi không những cầu xin Chúa dạy bảo tôi, mà còn xin Chúa dắt dìu tôi đi. Bởi vì, nếu không được Chúa cầm tay tôi mà dắt đi, thì dù biết được điều hay lẽ phải, tôi cũng chẳng thực hiện được. Đúng như lời Chúa đã dạy: “Nếu không có Thầy các con chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
Trong khi viết bài chia sẻ này, tôi rất ý thức sự thực quan trọng đó. Thực vậy, với ơn Chúa, tôi phải lắng nghe lời Chúa. Với ơn Chúa, tôi phải biết chọn lựa. Với ơn Chúa, tôi phải biết tỉnh thức cầu nguyện. Với ơn Chúa, tôi phải biết kết hợp mật thiết với Chúa hiện diện trong tôi. Với ơn Chúa, tôi phải biết phó thác nơi Chúa và chân thành cộng tác với tất cả mọi người thiện chí.
Cuộc đời tôi có thể cũng là một bài chia sẻ dài. Tôi luôn cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin dạy bảo con”. Và tôi cũng phải cẩn thận kết hợp mật thiết với Chúa, còn hơn khi viết bài chia sẻ bé nhỏ này.
Lạy Chúa, Chúa chính là thân cây nho. Con là cành nho bé nhỏ. Con khẩn khoản và tha thiết xin ơn được luôn kết hợp mật thiết với Chúa.
Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa.

Long Xuyên, ngày 21 tháng 03 năm 2014

TÂM SỰ CỦA MỘT NGƯỜI CHA GIÀ ĐAU YẾU

+ GB. BÙI TUẦN

 

 


TÂM SỰ CỦA MỘT NGƯỜI CHA GIÀ ĐAU YẾU


1.
Tôi mới đọc lại một bài của Đức Hồng Y Bergolio, nay là Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Bài này được Ngài giảng trong thánh lễ Dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, ngày 02.02.2008.
Nội dung bài giảng là về “những người già”.
Vì là một người già đau yếu, tôi đọc mà thấy lòng mình thấm thía nỗi đau. Xin được chia sẻ nỗi niềm ấy của tôi trong tâm sự này.
2.
Ngay trong đầu bài giảng, Đức Hồng Y đã không ngại nói lên một cảnh đau buồn đang xảy ra tại nhiều nơi ở Nam Mỹ. Cảnh đau buồn đó là cách cư xử đối với những người già.
Theo Ngài nhận xét về chính sách dành cho người già, thì cả đời cả đạo đều có những tuyên bố rất hay. Nhưng thực tế lại khác.
Người già bị coi như kẻ bị loại trừ.
Người già bị khinh như kẻ bị đẩy ra ngoài lề xã hội.
Người già bị đối xử như kẻ bị từ bỏ, bị để trong những nhà hưu như kho dành cho các vật phế thải.
Người già bị chế giễu và bị bỏ quên.
3.
Những hình ảnh trên đây tạo nên trong tôi một bầu trời u ám. Tôi cảm thấy xót xa vô chừng.
Tôi thầm nghĩ: Nếu phần đông đối xử tệ như thế đối với những người già, thì chắc là họ có cơ sở. Nếu chính tôi cũng bị đối xử như thế, thì hẳn là vì tôi xứng đáng bị như thế. Bởi vì chính tôi cũng thấy mình đang là người thuộc loại không sản xuất được gì, mà lại còn gây phiền hà cho nhiều người khác.
4.
Thực vậy, tôi cảm thấy mình đang là gánh nặng cho cộng đoàn. Bởi vì đời sống của tôi hiện giờ phải lệ thuộc rất nhiều vào người khác, đi đứng, di chuyển đều phải nhờ người khác.
5.
Tôi cảm thấy mình đang là kẻ dư thừa, gây phiền toái cho cộng đoàn. Bởi vì tôi bị kể như không còn khả năng phục vụ, đã thế lại giữ cho mình những phương tiện sống đáng lẽ nên dành cho những người đang phục vụ.
6.
Tôi cảm thấy mình đang là kẻ gây chướng tai gai mắt. Bởi vì tôi có những lời nói, việc làm, thái độ vụng về mà người ta không muốn bao dung chấp nhận.
7.
Tôi cảm thấy mình đang là kẻ phạm đến quyền lợi của người khác. Bởi vì tôi có những suy nghĩ và những lời nói nào đó, mà người ta cho là pha mình vào chuyện của người khác.
8.
Tôi cảm thấy mình đang là kẻ bị kết án, không xứng đáng ở lại chốn này. Bởi vì tôi bị coi như kẻ làm gương xấu, gây hại cho ích chung.
9.
Những cảm thấy trên đây đang làm tôi đau đớn và sợ hãi. Tôi muốn tìm người, để tâm sự. Nhưng tôi sợ lại bị khổ thêm, do người ta khinh chê, xa tránh. Mất miền tin vào người khác, co mình lại, đó là triệu chứng của trầm cảm.
10.
Trầm cảm có lúc gây nên căng thẳng. Chỉ một chút thôi trong lời nói, trong thái độ, của ai đó, tuy vô hình, nhưng tỏ ra sự dửng dung, sự khinh miệt, đều có thể làm cho tâm hồn đang đau lại đau thêm.
11.
Những lúc đó, tôi không phải là hiểu, mà là cảm nhận được một cách sâu sắc tình trạng, mà Chúa Giêsu đã trải qua xưa trong vườn Cây Dầu. Người cảm thấy rất mực cô đơn, rất mực sợ hãi, rất mực khổ đau. Tôi cũng như Người, lúc đó gục đầu xuống đất, mà khẩn cầu: “Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi uống chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha mà thôi” (Lc 22,42).
12.
Và tôi cũng cảm nhận thấy rất cần được ủi an nâng đỡ. Tôi thấy nhu cầu ấy cũng đã có trong lời Chúa Giêsu trách các môn đệ: “Các con không thức nổi một giờ ở bên Thầy sao?” (Mc 14,37).
13.
Ai đã trải qua những trường hợp như thế, mới thấy những trường hợp như thế là rất khủng khiếp. Do vậy, cần phải rất nhạy bén và tế nhị đối với những người trong cơn khủng khiếp như thế, nhất là khi họ là những người già cả đau yếu, không còn sức khoẻ thân xác và tinh thần để vượt qua.
Tôi đã nhiều lần rơi vào những trường hợp khủng khiếp đó.
14.
Cũng may là trong tôi, Chúa vẫn hiện diện, Người thắp lên trong tôi một ngọn lửa nhỏ. Ngọn lửa nhỏ này là niềm tin yêu mãnh liệt. Nhờ ngọn lửa thiêng này, tôi biến đau khổ thành cơ hội đến với Chúa và đến với con người, một cách âm thầm nhưng đầy tin tưởng.
15.
Trước hết, tôi coi bản thân tôi đang đau đớn là một của lễ hy sinh. Tôi khiêm tốn dâng lên Chúa của lễ hy sinh đó, hợp với của lễ hy sinh Chúa Cứu Thế đã dâng xưa trên thánh giá.
16.
Với của lễ hy sinh đó, tôi chúc phúc lành cho những người thân yêu của tôi. Như xưa ông già Simêon đã chúc lành cho Đức Mẹ và Thánh Giuse, khi hai Đấng dâng Chúa Hài Đồng trong đền thờ (x. Lc 2,33-35).
17.
Rồi, cũng với của lễ hy sinh đó, tôi chuyển giao kinh nghiệm của tôi cho cộng đoàn và những thế hệ đi sau. Như xưa bà già Anna “đã nói về Hài Nhi Giêsu cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Lc 2,38).
18.
Những gì tôi chia sẻ trong tâm sự này đều rát chân thành. Cũng với tất cả tấm long chân thành, tôi thú nhận tôi rất yếu đuối, hèn hạ, tội lỗi, rất cần được Chúa xót thương và cũng rất cần được cộng đoàn cảm thông.
19.
Để kết, tôi xin mượn ý của Đức Thánh Cha Phanxicô về người già:
- Nhu cầu được có người ở bên,
- Nhu cầu gặp được một cái nhìn yêu thương có sức làm êm dịu nỗi lo âu sợ hãi...
- Nhu cầu được cảm thấy mình có ích cho người khác.
- Nhu cầu làm nhẹ nỗi đau.
Đó là những gì anh chị em nên làm cho những người già cả đau yếu, trong đó có tôi.
Xin cảm tạ Chúa hết lòng.
Xin chào chúc anh chị em được bình an trong Chúa.
Long Xuyên, ngày 12 tháng 3 năm 2014

Ngày giỗ Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

TÍNH SỔ TRƯỚC KHI CHẾT

+ GB. BÙI TUẦN

 

 


TÍNH SỔ TRƯỚC KHI CHẾT

1.
Từ mấy tháng nay, những tin về sự chết đến với tôi càng ngày càng nhiều.
Có những cái chết rất bất ngờ.
Có những cái chết rất thương tâm.
Có những cái chết kéo dài thê thảm.
Qua những cái chết, Chúa đang gọi tôi. Chúa gọi tôi hãy nghĩ đến cái chết của chính mình. Cái chết của tôi là kết thúc một chuyến đi lo công việc cho Chúa.
Công việc, mà Chúa trao cho tôi phải lo trong suốt chuyến đi cuộc đời, đã được ghi trong lòng tôi, khi tôi chịu phép Rửa tội, Thêm Sức, cũng như khi tôi được thụ phong linh mục và giám mục.
Hôm nay có thể là một ngày của cuối chuyến đi. Trong  tình hình mỏi mệt, tôi được Chúa nhắc nhủ cách riêng đến ba công việc quan trọng. Nhắc nhủ này được coi như dấu chỉ của tình yêu xót thương Chúa, tôi nên chia sẻ cho mọi người thuộc Hội Thánh là một cộng đoàn tình yêu.
2.
Công việc thứ nhất là loan báo Tin Mừng
Tin Mừng là Chúa Giêsu. Người đến trong thế gian, đi vào lịch sử nhân loại.
Người ta sẽ nhận ra sự Người đến qua những dấu chỉ nào? Chính Chúa Giêsu đã kể ra những dấu chỉ sau đây, khi trả lời cho các môn đệ thánh Gioan Baotixita: “Người mù được xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5).
Có thể gọi các dấu chỉ trên đây là các việc từ thiện bác ái, đặc biệt dành cho những người nghèo khổ. Từ thiện bác ái nói đây là thăng tiến con người, giải cứu con người khỏi mọi thứ sự dữ. Từ thiện bác ái gồm nhiều thứ khác nhau, từ việc làm đến tư tưởng thái độ, từ vật chất đến tinh thần, từ cầu nguyện đến bài giảng bài viết và lối sống...
3.
Ngay trong hội đường thành Nadarét, Chúa Giêsu cũng đã quả quyết những lời tiên tri Isaia nói xưa được áp dụng cho chính Chúa Giêsu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho kẻ mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18).
4.
Theo những lời Chúa phán trên đây, thì các việc bác ái từ thiện làm cho người nghèo khổ, chính là dấu chỉ loan báo Tin Mừng cho tất cả nhân loại. Tin Mừng được loan báo cho mọi người qua việc thực hiện từ thiện bác ái cho người nghèo khổ.
Chính vì thế, khi các môn đệ Chúa làm các việc từ thiện bác ái dành cho người nghèo khổ, thì họ làm nên những dấu chỉ chắc chắn nhất về sự Chúa Giêsu hiện diện ở chính các ngài, và ở nơi các ngài hoạt động.
Làm việc bác ái từ thiện như những dấu chỉ của Chúa hiện diện, thì phải để ý đến những việc làm cụ thể và cách làm cụ thể, sao cho đúng là bác ái thật. Điều quan trọng là phải trao tặng rất nhiều tình yêu. Phải coi việc từ thiện bác ái là một vinh dự cao quý. Làm hết sức mình, còn kết quả ra sao hãy phó thác nơi Chúa. Chứ hễ thành công thì tự hào kể công, còn hễ thất bại thì đổ lỗi cho người khác. Làm thế là sai bác ái.
5.
Công việc thứ hai là dâng của lễ.
Dâng của lễ lên Thiên Chúa, mà tôi thực hiện hằng ngày, là dâng chính mình và tất cả mọi người lên Thiên Chúa.
Thánh Gioan thuật lại lời Chúa Giêsu phán xưa: “Phần tôi, một khi được đưa lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Rồi thánh Gioan nói: “Đức Giêsu nói thế, để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào” (Ga 12,32-33). Tức là Chúa Giêsu hy sinh chết trên thánh giá vì yêu thương nhân loại. Đó chính là của lễ, mà tôi được mời gọi hãy làm theo.
Như vậy, của lễ tôi dâng lên Chúa là tình yêu với những hy sinh vì tình yêu. Nếu không, của lễ dâng lên Chúa không những chẳng có nghĩa gì, mà còn bị Chúa ruồng bỏ.
6.
Ở đây, tôi nhớ lại lời Chúa phán qua miệng tiên tri Isaia:
“Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương. Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày Sabát, ngày đại hội. Không chịu nổi những ngày cứ phạm tội ác, rồi cứ lễ lạt linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta. Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn. Các ngươi có đọc kinh cho nhiều. Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì trong các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, hãy tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa” (Is 1,13-16).
7.
Những lời trên đây khiến tôi lo sợ cho những gì tôi coi như là của lễ tôi và cộng đoàn của tôi hay dâng lên Chúa, như hoa, nến, công trình xây cất hoành tráng, tiền bạc chồng chất, các nghi lễ đẹp đẽ và các quy tụ đông đảo. Dâng những thứ đó lên Chúa thực sự không phải là làm điều ác. Nhưng để có những thứ đó, biết đâu tôi đã chẳng phạm  những bất công và phản bác ái. Cũng như khi dâng những thứ đó, biết đâu tôi lại không nhắm tìm một lợi ích tư riêng, trần tục. Cũng như khi dâng các thứ đó lên Chúa, mà tôi cảm thấy sung sướng, bình an, thì biết đâu sự sung sướng bình an đó chỉ là phản ánh của một sự tự đắc phô trương.
Chính vì thế, mà tôi phải rất tỉnh thức trong công việc dâng của lễ lên Chúa.
8.
Công việc thứ ba là thực hành nhiệm vụ ngôn sứ.
Nhiệm vụ ngôn sứ không phải là nói tiên tri về tương lai. Nhưng là nói những lời có chất lượng đạo đức nuôi dưỡng con người. “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29). Tất nhiên ngôn sứ đôi khi phải nói những lời cảnh báo, nhưng luôn giữ mình ở mức độ tình yêu, mà Chúa đòi ở các con cái Chúa.
Nhiệm vụ ngôn sứ còn là loan báo cho mọi người biết thánh ý Chúa trong những thời điểm nhất định.
9.
Theo tôi, thánh ý Chúa rất cần được thực hiện trong thời nay là giới răn mới của Chúa Giêsu: “Thầy cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34). Ngôn sứ của Chúa phải loan báo ý Chúa là yêu thương nhau, để mỗi người sẽ là dấu chỉ và là khí cụ của tình yêu, để các cộng đoàn đều trở thành những cộng đoàn tình yêu, để bất cứ ai nhìn thấy như thế sẽ có thể nhận ra người môn đệ đích thực của Chúa: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35).
10.
Làm ngôn sứ của Chúa trong tình hình hiện nay là thế đó. Phải rất tỉnh thức và tế nhị. Nhất là khi người ta đang mỏi mệt, thiếu thốn, thì người ngôn sứ nếu không làm gì được điều tốt cho họ, thì đừng làm cho họ phải khổ thêm. Ngôn sứ làm bổn phận với tất cả nhiệt tình. Còn kết quả thế nào thì xin dâng phó cho Chúa. Không nên đề cao mình và đừng bao giờ chê trách bên nọ kết án bên kia.
11.
Trong hồi tâm trước mặt Chúa, tôi  nhìn lại ba công việc Chúa đã trao cho tôi trong chuyến đi cuộc đời. Tôi thấy tôi chưa làm tốt, tôi yếu đuối lắm. Tôi xin Chúa thương tha thứ cho tôi. Và tôi cũng xin cộng đoàn tha thứ cho tôi.
Với chút nghị lực còn lại, tôi quyết tâm cố gắng không ngừng phấn đấu, để bước theo Chúa Giêsu, và lo những công việc Chúa trao, cho dù phải vác thập giá: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24). Nhưng tôi nhận mình rất yếu đuối, có nhiều giới hạn, nên tôi xin phó thác mình cho lòng thương xót Chúa. Tôi xin làm hết sức mình, còn kết quả ra sao, thì xin dâng phó trọn vẹn cho Chúa. Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng.
Lạy Chúa, xin Chúa thương đến mọi người môn đệ Chúa đang lo những công việc của Chúa trên Quê Hương Việt Nam yêu dấu của con. Trách nhiệm của họ hiện nay là rất nặng nề.

Long Xuyên, 8 tháng 3 năm 2014.

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014