Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

TÌM HIỂU GIÁO LÝ TRONG NĂM ĐỨC TIN (bài 16-17)

Bài 16
CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN VỚI THÁNH LỄ
Sự liên kết giữa cầu nguyện cá nhân và sinh hoạt phụng vụ của cộng đoàn Giáo Hội không thể thiếu được. Vấn đề đặt ra là:       
1. Chúng ta phải làm gì để diễn tả đời sống đức tin? Sách giáo lý Giáo Hội Công Giáo nhắc nhở ta rằng: Phụng vụ của Giáo Hội “liên kết các tín hữu trong đời sống mới của cộng đoàn và đòi hỏi phải có một sự tham dự có ý thức, tích cực và đầy hoa trái của mọi người”[1] (số 1071). Một cách thức quan trọng để ta hoàn thành lời kêu gọi tham dự vào phụng vụ của Giáo Hội là qua một đời sống cầu nguyện nhiệt thành, được tiến hành qua phụng vụ. Giáo lý dạy rằng: “Tất cả các lời cầu nguyện của Kitô hữu đều bắt nguồn và kết thúc trong phụng vụ. Nhờ phụng vụ, nội tâm con người được bén rễ và xây dựng nền tảng trên tình yêu lớn lao mà Chúa Cha đã yêu thương chúng ta trong con yêu dấu của Ngài. Đó là sự kỳ diệu của Thiên Chúa được cảm nghiệm và hội nhập bởi mọi lời cầu nguyện”[2].
          Phụng vụ của Giáo hội làm hiện tại hóa và truyền đạt mầu nhiệm ơn cứu độ. Những kinh nghiệm mầu nhiệm đó được tiếp tục trong tâm hồn những người cầu nguyện... Việc cầu nguyện sẽ nhập tâm và thấm nhiễm lấy phụng vụ trong và sau khi cử hành phụng vụ" (số 2655).
2. Làm sao ta di chuyển từ việc tham dự Thánh lễ tới việc thực hành cầu nguyện riêng trong đường hướng mà nó cổ động việc cầu nguyện liên lỉ, có cân nhắc và kết hợp trong Chúa Thánh Thần?
          Câu trả lời xuất hiện ngay trong chương trình của thánh lễ. Lúc ta suy niệm các phần trong thánh lễ, ta tìm ra một liều thuốc cho sự dấy loạn, bối rối và vô trật tự trong đời sống của mình. Cơ cấu của thánh lễ tiết lộ sự nhịp nhàng và trôi chảy thích hợp cho mọi người Kitô hữu chân chính. Hình thức thánh lễ mà ta cử hành cho biết cách thức ta cầu nguyện trong đời sống. Khi ta coi các phần của thánh lễ trong thứ tự riêng của nó, ta thấy cách nó diễn tả một khuôn mẫu hoàn hảo và liên kết mạch lạc cho đời sống cầu nguyện của ta.
          Cách thức ta bắt đầu thánh lễ được coi như là nền tảng cho mọi lời cầu nguyện. Khi ta làm dấu thánh giá, ta tin chắc rằng ta được kết hợp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Sự cầu khẩn mà ta bắt đầu bằng dấu thánh giá có nghĩa là thánh giá Chúa Giêsu chứa đựng nguồn mọi ơn phúc. Tương tự những nghi thức trong thánh lễ cũng thế góp phần rất lớn trong việc cầu nguyện.
          Sau cùng, trong sự yên tĩnh chiêm niệm và trong tình yêu mến, ta ở lại trong sự kết hợp âm thầm với Thiên Chúa rất mến yêu trong niềm an vui, trìu mến và an bình của Ngài. Tóm lại, khi nào ta cần sự chỉ dẫn trong đời sống cầu nguyện, ta chỉ cần nhìn vào phụng vụ thánh lễ để làm mới lại những yếu tố chính của việc cầu nguyện, để tu sửa lại những gì cần phải được ưu tiên trong đời sống của mình, và chỉ cho ta cách thức để kết hợp với Chúa sâu sắc hơn. Để khi ta tự mình trung thành cầu nguyện dựa theo thánh lễ, ta trở nên bền vững hơn trong tình yêu của Chúa Cha qua sự nội tâm hóa của mình trong phụng vụ của Giáo Hội.
Long xuyên ngày 28.4.2013
Nhà Thờ Chánh Toà Long Xuyên


[1] GLHTCG 1071.
[2] GLHTCG 1073.


Bài 17
BA HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa hoặc xin Chúa những phúc lợi xứng hợp[1]. Chúng ta có thể cầu nguyện bằng những hình thức nào?

1. Có mấy hình thức cầu nguyện?
Theo truyền thống Kitô giáo, có ba hình thức cầu nguyện: Khẩu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm.

Đây là những cách thức chủ quan của chính chúng ta thường dùng: Miệng để đọc kinh, để hát và ca tụng Chúa. Tất cả đều được diễn tả thành lời, thành tiếng. Suy gẫm là dùng trí để suy nghĩ và tìm hiểu ý Chúa trong các mầu nhiệm của đức tin hay những biến cố trong cuộc đời ta. Sau cùng là chiệm niệm. Chiêm niệm chính là cuộc trao đổi thân tình giữa hai người bạn. Điều này thường chỉ là một mình đến với Thiên Chúa mà chúng ta biết là Đấng yêu thương chúng ta.
Cả ba hình thức cầu nguyện đều diễn tả một sự việc quan trọng trong tâm hồn: Đó là sự hồi tâm của một người con đối với Thiên Chúa là cha chúng ta.

2. Khẩu nguyện là gì?
Khẩu nguyện là cầu nguyện thành tiếng. Đó là cách diễn tả rất phù hợp với con người, đặc biệt là với đám đông. Ngay cả khi cầu nguyện trong lòng, chúng ta cũng không được sao lãng khẩu nguyện, vì đó là hình thức đầu tiên của cầu nguyện chiêm niệm.
Cầu nguyện thành tiếng là một dữ kiện không thể thiếu được trong đời sống Kitô giáo. Các môn đệ đã chăm chú theo dõi việc cầu nguyện thinh lặng của Thầy mình nhưng Ngài dạy họ một kinh để đọc lên: Đó là kinh Lạy Cha.
 Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện bằng các lời kinh phụng vụ của hội đường Do Thái mà Ngài còn cất tiếng cầu nguyện theo phát biểu riêng của Ngài qua lời hân hoan chúc tụng Chúa Cha (x. Mt 1,25-26), qua lời cầu khẩn với Thiên Chúa Cha lúc gian nan ở vườn cây dầu (Mt 14,36)[2].
Giáo Hội mời gọi các tín hữu hãy cầu nguyện luôn: Đọc kinh cầu nguyện hằng ngày, đọc phụng vụ các giờ kinh, tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật, các lễ của năm phụng vụ.
Sự cầu nguyện thành tiếng đặt nền tảng trên sự hiệp nhất cộng đoàn, hiệp nhất giữa thân xác và tinh thần để kết thành con người hiệp nhất theo gương Đức Mẹ và Chúa Giêsu trong tương quan với Thiên Chúa Cha.
Chúng ta đang bắt đầu tháng kính Đức Mẹ, xin Mẹ cầu bầu cho chúng con biết hợp tiếng với Đức Mẹ dâng lời cầu  nguyện, tạ ơn và  xin Mẹ giúp chúng con biết tạ tội của chúng con trước mặt Chúa.


Long Xuyên ngày 5.5.2013
Nhà thớ Chánh Toà Long Xuyên





[1] GLHTCG 2590.
[2]  x. GLHTCG 2701.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét