Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

TÌM HIỂU GIÁO LÝ TRONG NĂM ĐỨC TIN (5 bài đầu)

TÌM HIỂU GIÁO LÝ TRONG NĂM ĐỨC TIN
(Lm. GB. Nguyễn Văn Tuấn biên soạn)
Bài 1

 THIÊN CHÚA MẶC KHẢI CHO CON NGƯỜI

I. PHẦN GIÁO LÝ CÔNG ĐỒNG

“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho con người biết mầu nhiệm thánh ý Người. Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính Thiên Chúa” (MK 2).

II. CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI

Câu 1. H: Mặc khải là gì?
Thưa: Mặc khải là việc Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra cho con người và cho con người biết thánh ý của Ngài. Con người nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, được cứu độ, được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa và được trở nên con của Ngài.
Câu 2. H:Thiên Chúa mặc khải cho ta bằng cách nào?
Thưa: Thiên Chúa dùng lời nói và hành động mà tỏ mình cho ta qua từng giai đoạn trong lịch sử cứu độ, trước tiên, cho tổ tông loài người, rồi cho các Tổ Phụ, các Tiên Tri, và sau cùng Ngài đã tự tỏ mình trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô.


III. DẪN GIẢI VÀ THỰC HÀNH

Mỗi người chúng ta ai cũng thấy rằng khó khăn trong việc thổ lộ sự thân mật và tình cảm của mình cho người khác. Tâm tư tình cảm cần phải được thổ lộ. Sự thổ lộ đó cần được diễn tả bằng lời nói và nhất là hành động. Khi một người nói “Tôi yêu bạn”, chúng ta có thể nhận ra đó là lời nói chân thật để tin. Điều này còn có giá trị hơn nhiều trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa.
Cựu Ước và Tân Ước thừa nhận như thế trong các trang sách: Thiên Chúa đã nhiều lần, nhiều cách bộc lộ bí ẩn của ngài và thổ lộ tình yêu của Ngài cho con người (x.Rm 16, 25). Ngài không ngự ở nơi cao xa hoặc bí ẩn mà xa cách và bỏ rơi con người. Ngài rất gần và cho con người nhận biết Ngài bằng lời nói và hành động của Ngài. Ngài luôn mời gọi và đón nhận con người. Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở giữa chúng ta (x.Dt 11,16).
Thiên Chúa đã thổ lộ thân phận của Ngài qua công trình sáng tạo, qua các cách thế khác nhau của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa cũng muốn quy tụ mọi người và làm cho mọi người trở thành ánh sáng muôn dân (x.Is 42,6). Vì thế, Ngài đã chọn gọi Abraham và các Tổ Phụ, Tiên Tri để quy tụ và hướng dẫn dân của Ngài trong việc nhận ra Thiên Chúa và thờ phượng Thiên Chúa. “ Thuở xưa, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử Giêsu”
(Dt 1,1-2).
Khi Thiên Chúa đến với con người thì Ngài không những mặc khải chính Ngài mà còn mặc khải chính ơn gọi cao quý của con người: là con cái của Thiên Chúa nữa.
Vậy nếu có người hỏi chúng ta rằng: Thiên Chúa là ai chúng ta trả lời thế nào? Thưa: Chúng ta không những trả lời bằng những lý thuyết đã học hỏi hoặc những lý luận phức tạp về Thiên Chúa mà chúng ta phải trả lời bằng niềm tin, bằng đời sống đức tin. Đời sống đức tin của chúng ta và lòng yêu mến tha nhân sẽ là câu trả lời hay nhất cho những người không biết Chúa là ai và chúng ta là ai đối với chính Thiên Chúa và đối với nhau. Khi chúng ta tuyên xưng niềm tin như thế là chúng ta xác quyết và trả lời rằng: Đây là Thiên Chúa chúng tôi, Đấng đã dẫn dắt Abraham, đã giải thoát dân Israel, đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, Ngài là Đấng cứu độ chúng tôi (x. Lc 21, 28).
Như vậy, nhờ mặc khải của Thiên Chúa qua lịch sử cứu độ và cho đến nay, chúng ta hiểu phần nàoThiên Chúa là ai và bổn phận chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân thế nào.

Chúa Nhật 13.1.2013
Giáo Xứ Nhà Thờ Chánh Toà Long Xuyên.



Bài 2

KINH THÁNH VÀ THÁNH TRUYỀN

I. PHẦN GIÁO LÝ CÔNG ĐỒNG
 “ Theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, việc lưu truyền Tin Mừng đã được thực hiện bằng hai cách: Bằng truyền khẩu và bằng lời rao giảng, những gương mẫu và các định chế, các Tông Đồ truyền lại những điều đã học được từ chính miệng Đức Kitô khi sống chung với Người và thấy Người xử sự hoặc những điều các ngài đã được Thánh Thần gọi hướng. Bằng văn tự: Được Thánh Thần linh hướng, các Tông đồ và những người thân cận với các ngài đã ghi lại sứ điệp cứu độ”(MK 7). “Được thực hiện trong Chúa Thánh Thần, cách lưu truyền sống động này được gọi là Thánh Truyền, phân biệt với Thánh Kinh, dù có liên hệ chặt chẽ với Thánh Kinh. Nhờ Thánh Truyền, Hội thánh qua giáo lý, đời sống và việc phụng tự của mình, bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin” (MK 8).

II. CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI
Câu 1. Kinh Thánh là gì?
Thưa: Kinh Thánh là sách ghi chép mặc khải của Thiên Chúa dưới sự linh hướng của Chúa Thánh Thần.
Câu 2. Thánh Truyền là gì?
Thưa: Thánh Truyền là mặc khải của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã trao phó cho các Tông đồ và các Đấng Kế Vị để các ngài gìn giữ, trình bày và rao giảng cách trung thành.
Câu 3. Chúng ta cần có thái độ như thế nào để đón nhận mặc khải?
     Thưa: Mặc khải là một hồng ân, do đó để đón nhận mặc khải chúng ta cần có thái độ tin yêu, tìm hiểu và tỏ lòng biết ơn.

III. DẪN GIẢI VÀ THỰC HÀNH
Chúng ta biết được mặc khải qua những lời dẫn chứng của Kinh Thánh và Thánh truyền.

 1. Kinh Thánh
Là một phần của mặc khải. Thiên Chúa nói với chúng ta nhờ Kinh thánh. Kinh Thánh không chỉ chứa đựng lời của Thiên Chúa mà cũng chính là lời của Ngài. Thiên Chúa chính là tác giả của Kinh Thánh. Lời Chúa đến với chúng ta qua trung gian ngôn ngữ của loài người. Con người dùng ngôn ngữ của mình để diễn tả lời Thiên Chúa. Họ là những tác giả của Kinh Thánh theo sau tác giả thứ nhất.
Kinh Thánh là bộ sách của Giáo Hội và được trao ban cho Giáo Hội. Ta chỉ có thể hiểu đúng Kinh Thánh nếu diễn giải dựa vào đời sống, tâm tình và đức tin của Giáo Hội.
Theo Công Đồng Trentô, Kinh Thánh là “Nguồn mọi chân lý cứu độ và mọi điều luật luân lý” (Dz. 1501). Vì thế, Kinh Thánh phải được tôn trọng và được suy tôn trong các cử hành phụng vụ của Giáo Hội và phụng vụ bí tích.
2. Thánh Truyền
Là những lời truyền khẩu hoặc truyền bằng văn tự. Thánh truyền chứa đựng lời Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các Tông đồ và lưu truyền cho những người kế nhiệm các Ngài. Nhờ Thánh Thần Chân Lý soi dẫn, họ luôn trung thành gìn giữ và phổ biến qua lời rao giảng. Giáo Hội cũng được ủy thác nhiệm vụ lưu truyền và giải thích.
Những hình thức của thánh truyền rất đa dạng nhằm lưu truyền đức tin. Chẳng hạn, giáo huấn của Giáo Hội như là các bài huấn giảng, thư mục vụ, thông điệp, những tuyên ngôn về tín lý được công bố một cách trọng thể và những quyết định không thể sai lầm của Đức Giáo Hoàng. Tóm lại, Thánh Truyền được thể hiện trong các giáo huấn, trong phụng vụ và trong việc phục vụ Giáo Hội.
Vì thế, Kinh Thánh và Thánh Truyền là một hồng ân Chúa ban. Do đó, chúng ta cần có thái độ tin yêu, tìm hiểu và tỏ lòng biết ơn Chúa và Giáo Hội.

Chúa Nhật 20.1.2013      
Nhà Thờ Chánh Tòa Long Xuyên

Bài 3
KINH THÁNH TRONG ĐỜI SỐNG CHÚNG TA

I. Phần giáo lý công Đồng
“Tất cả những gì viết trong Kinh Thánh đều do Thiên Chúa linh ứng và có ích lợi cho việc giảng dạy, giáo dục chúng ta trở nên công chính” (2 Tm 3,16).“ Nơi Kinh Thánh, Giáo Hội không những tìm được lương thực và sức mạnh của chình mình. Bởi vì nơi Kinh Thánh, Giáo Hội không những đón nhận lời của con người mà còn đón nhận Lời của Thiên Chúa, vì đó là bản chất của Kinh Thánh. Trong các cuốn sách Kinh Thánh, Chúa Cha ở trên trời đã tới gặp con cái và đàm đạo với chúng”[1].
II. Câu hỏi
Câu 1: Kinh Thánh gồm mấy phần và bao nhiêu cuốn?
Thưa: Kinh Thánh gồm hai phần: Cựu Ước có 46 cuốn và Tân Ước có 27 cuốn, trong đó 4 quyển Tin Mừng là quan trong nhất.
Câu 2: Giáo Hội tôn kính Kinh Thánh thế nào?
Thưa: Giáo Hội tôn kính Kinh Thánh như tôn kính thân thể Chúa. Cả hai đều nuôi dưỡng và chi phối toàn bộ đời sống Kitô giáo.
III. Dẫn giải và thực hành
Tất cả Kinh Thánh chỉ là một cuốn sách và cuốn sách duy nhất đó chính là Đức Kitô bởi vì tất cả Kinh Thánh nói về Chúa Kitô và quy về Chúa Kitô.
 Truyền thống của các Tông Đồ đã dạy Giáo Hội biết phân biệt những sách nào phải coi là sách Thánh. Danh sách đầy đủ này được gọi là Giáo Quy.
Cựu Ước là một phần không thể mất của Kinh Thánh. Các cuốn sách của Cựu Ước đã được Thiên Chúa linh ứng và giữ một giá trị trường tồn bởi vì Cựu Ước không bao giờ bị rút lại. Các Kitô Hữu tôn kính Cựu Ước như lời đích thực của Thiên Chúa. Giáo hội luôn mạnh mẽ gạt bỏ ý tưởng muốn vứt bỏ Cựu Ước với lý do là Tân Ước đã làm cho Cựu Ước trở nên phù du. Quan niệm này là lạc giáo và đã đi theo tà thuyết Marcionit[2].
Trong Tân Ước, đối tượng trung tâm là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Các hành vi của Ngài, cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài cũng như những khởi đầu của Giáo Hội đều được thúc đẩy bởi hành động của Chúa Thánh Thần.
Người ta có thể phân làm ba giai đoạn của sự hình thành các Phúc Âm: Cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Giêsu, truyền khẩu: Những gì Chúa đã nói và đã làm, các cuốn Phúc Âm.
Sức mạnh và quyền năng của Kinh Thánh lớn lao đến mức là điểm tựa, sức mạnh, lương thực của Giáo Hội. Vì thế, Kinh Thánh phải được mở rộng cho sự tiếp xúc của các Kitô Hữu. Khoa thần học phải lấy việc nghiên cứu Kinh Thánh làm linh hồn của mình. Giáo Hội khuyên các Kitô Hữu cũng phải tôn kính Kinh Thánh, học hỏi lời Kinh Thánh và sống theo lời Kinh Thánh[3]. Vì vậy, không hiểu Kinh Thánh cũng là không hiểu Chúa Kitô.
Chúa Nhật 27.1.2013
Nhà Thờ Chánh Tòa Long Xuyên



[1] CÔNG ĐỒNG VANTICAN II, MK 21; 24.
[2] GIÁO LÝ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 66.
[3] Ibidem 70.

Bài 4
GIÁO HỘI MẦU NHIỆM

I. GIÁO LÝ CÔNG ĐỒNG
“Giáo hội xuất phát từ Chúa Ba Ngôi” [1].
“Giáo hội vừa là một cộng đoàn hữu hình và một cộng đoàn thiêng liêng” [2].
II. CÂU HỎI
Câu 1: Giáo hội là cộng đoàn nào? Giáo hội bao gồm những ai?
Thưa: Giáo Hội là một công đoàn những người được lời Thiên Chúa quy tụ thành dân Chúa và thành thân thể Đức Kitô. Những người thuộc về Giáo Hội: Trước hết là các tín hữu Công Giáo. Thứ đến là những người tin Chúa Kitô. Sau cùng là tất cả mọi người được Chúa kêu gọi để hưởng ơn cứu chuộc nhờ ân sủng của Ngài[3].
Câu 2: Giáo hội gồm những yếu tố nào?
Thưa: Giáo hội gồm hai yếu tố này: Một là yếu tố nhân loại: Là một tổ chức hữu hình với cơ cấu phẩm trật. Hai là yếu tố thiêng liêng: Là một cộng đoàn thiêng liêng và là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Như vậy, Giáo hội là một mầu nhiệm; mầu nhiệm này chỉ có thể được đón nhận bằng đức tin[4].
III. DIỄN GIẢI VÀ ÁP DỤNG
Tất cả những ai lãnh Bí Tích Rửa Tội đều thuộc về Giáo Hội và là thành phần của Giáo Hội. Từ Giáo Hội có nghĩa là triệu tập. Vì thế, Giáo Hội là sự triệu tập tất cả những người đã được Lời Chúa hướng dẫn và quy tụ lại nhờ đức tin và Bí Tích Rửa Tội[5].
Giáo Hội được nảy sinh trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi từ lúc khởi đầu cho tới lúc hoàn thành. Giáo Hội được thiết lập bởi Đức Giêsu. Người đã dành cho Giáo Hội của Người một cơ cấu tồn tại cho tới khi nước trời hoàn tất. Người chọn Mười Hai Tông Đồ và đặt Phêrô làm thủ lãnh. Giáo Hội đã được sinh ra do sự thiết lập của Chúa Kitô nhờ sự chết và phục sinh của Người. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã được sai đến để thánh hóa Giáo Hội.
Giáo Hội có cơ cấu vừa hữu hình, vừa thiêng liêng. Hữu hình vì Giáo Hội là một xã hội có phẩm trật. Thiêng liêng vì Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Kitô. Vì thế, chúng ta rất hạnh phúc vì được tham dự vào Giáo Hội của Chúa Kitô, là thành viên trong đại gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi và là nhiệm thể của Chúa Kitô. Chúng ta sống bằng sức sống của Thiên Chúa. Chúng ta cần cảm tạ hồng ân này và ra sức làm cho đẹp lòng Chúa bằng cách xây dựng và làm cho Giáo Hội phát triển không ngừng tại Giáo Xứ này.
Long Xuyên 31.1.2013
Nhà Thờ Chánh Tòa Long Xuyên



[1] LG 1-4.
[2] LG 8.
[3] LG 13.
[4] x. GLCG 779.
[5] x.  GLCG 751-752.

Bài 5

GIÁO HỘI LÀ DÂN THIÊN CHÚA

I.GIÁO LÝ CÔNG ĐỒNG
“ Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu độ con người cách riêng rẽ, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc, để họ nhận biết Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế, Ngài chọn dân Israel làm dân Ngài, thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và là hình bong giao ước mới hoàn hảo sẽ được ký kết trong Đức Ki tô. Người triệu tập một dân đến từ Israel và từ các dân ngoại, một thành một khối duy nhất trong Thánh Thần”[1]

II. CÂU HỎI

H. Tại sao gọi Giáo hội là dân Thiên Chúa?
T. Giáo hội được gọi là dân Thiên Chúa vì nhờ Giao ước mới trong máu Chúa Kitô, Giáo hội tiếp tục sứ mệnh của Người và hoàn tất những gì Người đã khởi sự nơi dân Do Thái ngày xưa [2].

H. Ơn gọi của dân Thiên Chúa là gì?
T. Ơn gọi của dân Thiên Chúa là tham dự vào chức năng Tư tế, Tiên tri và Vương đế của Chúa Kitô, tức là thờ phượng Thiên Chúa, loan báo Tin mừng và phục vụ mọi người [3].



[1] LG 9.
[2] GLCG 781-782.
[3] GLCG 783-786.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét